Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:02 (GMT +7)
TP Uông Bí: Cần quan tâm nâng chất các sản phẩm OCOP
Thứ 4, 23/03/2022 | 10:44:36 [GMT +7] A A
Năm 2020, Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh đã loại bỏ 16 sản phẩm OCOP của TP Uông Bí do không có khả năng hoàn thiện, phát triển hoặc đã ngừng sản xuất. Tiếp đó năm 2021, một sản phẩm OCOP 4 sao của thành phố cũng đã bị thu hồi chứng nhận đạt sao. Điều này cho thấy, TP Uông Bí cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai chương trình OCOP để hướng đến những sản phẩm đạt chất lượng cao, tạo uy tín với người tiêu dùng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường nông sản.
Trong số các sản phẩm bị loại bỏ khỏi chương trình OCOP năm 2020, TP Uông Bí có 16 sản phẩm nông nghiệp của 4 hợp tác xã, tổ chức nông nghiệp gồm: Thanh long, vải Phương Nam, rượu Linh Chi Yên Tử, su hào, khoai tây, bí xanh, cà chua, dưa chuột... Sản phẩm bị thu hồi giấy chứng nhận 4 sao trong năm 2021 là rượu cau Yên Tử. Đây phần lớn đều là những sản phẩm nông nghiệp thông thường, không mang tính đặc thù của địa phương, sản phẩm có sản lượng và thời vụ ngắn, không đảm bảo được tính hàng hóa. Do đó, việc tỉnh loại bỏ và thu hồi là việc làm cần thiết để giữ uy tín về chất lượng và thương hiệu chương trình OCOP của tỉnh nói chung, TP Uông Bí nói riêng.
Đến nay, Uông Bí còn 30 sản phẩm thuộc chương trình OCOP của thành phố, trong đó có một số sản phẩm được xác định là sản phẩm chủ lực, đặc trưng và có tiềm năng phát triển lớn, như: Rượu mơ Yên Tử (4 sao); rượu mơ Song Lộc (4 sao); rượu ba kích Yên Tử (4 sao); rượu sim Yên Tử (sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP năm 2021); cao Thiên Đông (3 sao); cao Lạc tiên an thần (3 sao); mật ong Yên Tử (3 sao); trà giải độc gan (3 sao); viên hà thủ ô; tinh bột nghệ; đông trùng hạ thảo khô Phương Thuỳ (3 sao); đông trùng hạ thảo tươi Phương Thuỳ (3 sao); rượu đông trùng hạ thảo Phương Thuỳ (3 sao); đông trùng hạ thảo ngâm mật ong Phương Thuỳ (3 sao).
Điều đáng nói là ngoài những sản phẩm được đánh giá là có tính chủ lực trên, hiện trong 30 sản phẩm OCOP còn lại của thành phố cũng vẫn còn một số sản phẩm chưa mang tính bền vững, như: Bánh đa phố (Cơ sở sản xuất Bánh đa phố); dưa lê vân lưới (HTX Nông nghiệp Hương Việt); mật ong Yên Tử (HTX khai thác chế biến & thương mại ong mật rừng Yên Tử); rượu gạo nếp Yên Tử (HTX Sản xuất vật liệu xây dựng Sơn Dương - Chi nhánh sản xuất và kinh doanh rượu nếp cái hoa vàng Đồng Bé); tinh dầu trầu tiên Yên Tử, dầu xoa bóp trầu tiên Yên Tử (HTX Thảo dược Yên Tử)... Đây đều là những sản phẩm sẽ tham gia đánh giá phân hạng vào năm 2022 nhưng qua công tác rà soát, đánh giá, kiểm tra của thành phố cho thấy, các cơ sở sản xuất những sản phẩm này đều đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài, thời tiết không thuận lợi, không đảm bảo đủ nguyên liệu để sản xuất sản phẩm.
Ngoài những khó khăn của sản phẩm sẵn có thì việc phát triển thêm những sản phẩm mới trong năm 2022 theo kế hoạch của thành phố cũng đang gặp không ít vướng mắc. Kế hoạch đặt ra là trong năm nay, TP Uông Bí phải phát triển thêm ít nhất 3 sản phẩm mới theo chu trình OCOP, tuy nhiên tính đến hết quý I/2022, Ban Chỉ đạo OCOP thành phố mới rà soát và vận động được 1 sản phẩm dự kiến sẽ tham gia chương trình OCOP năm 2022 là sản phẩm nước mơ của Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Thăng Long.
Theo khảo sát từ các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP, để có điều kiện phát triển thêm sản phẩm mới hoặc tham gia đánh giá phân loại đạt hiệu quả và tiến tới nâng hạng sao cho sản phẩm thì thành phố cần quan tâm sâu sát, quyết liệt hơn trong việc tư vấn, hướng dẫn quy trình, hồ sơ để thụ thưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất; hướng dẫn lập hồ sơ tham dự đánh giá phân hạng sản phẩm cấp thành phố và cấp tỉnh...
Như vậy, để nâng chất các sản phẩm OCOP đã có và phát triển được các sản phẩm OCOP mới, TP Uông Bí cần có những hướng đi, cách làm mới và sự quan tâm đầu tư nhất định đối với chương trình này. Trong đó, cần phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm tham gia; xử lý nghiêm các tổ chức sản xuất có các sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của chương trình. Đối với các sản phẩm OCOP chủ lực, có lợi thế cần xây dựng những dự án liên kết chuỗi để đảm bảo gia tăng cao về giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu và quy hoạch các vùng nguyên liệu để đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu phục vụ chế biến các sản phẩm OCOP. Đồng thời, rà soát toàn bộ các sản phẩm OCOP, loại khỏi chương trình những sản phẩm không còn sản xuất và các sản phẩm không có đủ hồ sơ chất lượng. Từ đó, mới khắc phục triệt để tình trạng nhiều sản phẩm đưa vào chương trình OCOP nhưng không có kế hoạch hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng, không có đủ sản lượng, chất lượng không đảm bảo khó tiêu thụ hoặc không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()