Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 11:54 (GMT +7)
Phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng
Thứ 3, 15/03/2022 | 10:50:50 [GMT +7] A A
Sau 7 năm hình thành và phát triển, đến nay, Chương trình OCOP của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các sản phẩm đều có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và đã tạo dựng được lòng tin với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Hiện Quảng Ninh đang tiếp tục xây dựng, triển khai và thẩm định các sản phẩm mới gắn liền với những đặc trưng riêng của địa phương, để đưa nhiều hơn nữa những sản phẩm OCOP chất lượng tới tay người tiêu dùng.
Huyện Cô Tô hiện có 49 sản phẩm OCOP địa phương đặc trưng được đông đảo người tiêu dùng biết đến, như: Nước mắm, mực khô, cá ruội… Hiện huyện đang tiếp tục xây dựng và phát triển thêm các sản phẩm OCOP đặc trưng mới, trong đó, điển hình là cam Thanh Lân, bởi thời gian qua, sản phẩm này đã khẳng định được thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân. Để phát triển sản phẩm cam Thanh Lân, Hội Nông dân huyện Cô Tô đã thành lập Tổ hội cam bản địa xã Thanh Lân và hình thành nên tổ chức nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Qua đó, tạo được sự đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác, chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP mới của địa phương.
Bà Trần Thị Hoài, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cô Tô, cho biết: Trước đây, cam Thanh Lân được người dân trồng rải rác, chưa phải là đối tượng cây trồng chủ lực của địa phương, mặc dù cây cam rất hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Thanh Lân. Ban đầu chỉ từ mô hình vườn cam của một hộ gia đình, nhưng đến nay nhờ sự tìm tòi, học hỏi lẫn nhau, hiện tại xã đã có thêm nhiều mô hình vườn cam sạch với quy mô lớn. Cùng với đó, để tiếp tục phát triển giống cam bản địa này, chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm trong việc hỗ trợ bà con trong công tác tập huấn kỹ thuật chăm sóc để nâng cao chất lượng, sản lượng cam, hỗ trợ dân vay vốn… Với đà phát triển này, trong tương lai cam Thanh Lân sẽ sớm trở thành thương hiệu sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của địa phương.
Không chỉ riêng huyện Cô Tô, hiện nay tất cả các địa phương trong tỉnh cũng đang thực hiện triệt để việc xây dựng, hình thành các sản phẩm OCOP mới của địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2021, đã có thêm 34 tổ chức mới tham gia chương trình OCOP, nâng tổng số tổ chức tham gia OCOP toàn tỉnh là 188 đơn vị. Trong đó có 52 doanh nghiệp, 72 HTX, 64 hộ sản xuất. Đặc biệt, trong năm toàn tỉnh đã phát triển mới 95 sản phẩm OCOP, tăng 90% so với chỉ tiêu cả năm là 50 sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm đều có sự đổi thay về chất lượng, cải tiến về mẫu mã, quy cách... Ngoài ra, các sản phẩm OCOP đều có đầy đủ chứng nhận về mã số, mã vạch, chứng nhận sở hữu trí tuệ, chứng nhận điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến như: ISO, GMP, HACCP, VietGAP...
Tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định cấp chứng nhận đạt sao năm 2021 đối với 86 sản phẩm OCOP, trong đó có 22 sản phẩm đạt 3 sao, 64 sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm đủ điểm 5 sao để tham gia dự thi cấp quốc gia. Đây là năm thứ 6 Quảng Ninh tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Có thể nói, việc tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP hằng năm đã góp phần tìm chọn ra các sản phẩm thực sự chất lượng, đảm bảo các tiêu chí và điều kiện an toàn để cung cấp ra thị trường. Qua đó, ngày càng khẳng định uy tín và thương hiệu của Chương trình OCOP.
Theo thống kê của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia NTM tỉnh, hiện tại chương trình OCOP của Quảng Ninh đã phát triển được 502 sản phẩm OCOP, với 272 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, 3 sản phẩm 5 sao cấp tỉnh, 70 sản phẩm 4 sao cấp tỉnh, 196 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Năm 2022, Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia NTM tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời xây dựng các chuỗi liên kết, chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ phát triển tổ chức. Trong đó, phấn đấu hướng tới mục tiêu sẽ có ít nhất 50 sản phẩm mới trở lên; có thêm từ 70-100 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao; có 2-4 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia và phát triển mới ít nhất 15 đơn vị kinh tế tham gia Chương trình OCOP.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()