Tất cả chuyên mục
![](https://baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo_footer_red.png)
Với mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp nhằm phục vụ tốt tổ chức, doanh nghiệp và người dân giải quyết công việc, thời gian qua TP Uông Bí đã chú trọng đầu tư, xây dựng nền hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp... Nhờ đó, đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
TP Uông Bí chú trọng đổi mới, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thực hiện công tác CCHC và triển khai đến các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường; chú trọng rà soát các văn bản, sắp xếp, bố trí CCVC tại các phòng, ban chuyên môn, phân định rõ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của từng người. UBND thành phố cũng tập trung chỉ đạo, tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CBCCVC và các cơ quan hành chính nhà nước và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào tiến trình cải cách, giám sát chất lượng thực thi công vụ của CBCC…
![]() |
Lãnh đạo Trung tâm HCC TP Uông Bí hướng dẫn người dân tra cứu văn bản trên kiốt điện tử tại Trung tâm HCC TP Uông Bí. |
Thực hiện Chỉ thị số 04 (ngày 4-2-2013) của UBND tỉnh “Về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh”, UBND TP Uông Bí đã ban hành Chỉ thị số 04 (ngày 21-2-2013) quán triệt đến thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các xã, phường trên địa bàn trực tiếp chỉ đạo, điều hành, triển khai, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện văn hoá, văn minh công sở… Thành phố cũng chú trọng việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cấp thành phố, cấp xã, phường; xây dựng hệ thống CNTT hỗ trợ cho việc quản lý dịch vụ công, hỗ trợ theo dõi giám sát quá trình xử lý TTHC; sắp xếp, bố trí, đào tạo đủ số lượng, chất lượng đội ngũ CBCC quản lý và chuyên trách về CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước để kịp thời cập nhật và cung cấp thông tin phục vụ cho việc quản lý, điều hành của các cấp chính quyền thông qua hệ thống thông tin điện tử. Đến nay, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố được đưa lên trang điện tử thành phần thuộc Cổng thông tin điện tử của tỉnh và thành phố. Thành phố thường xuyên củng cố mạng thông tin nội bộ, đảm bảo thông tin được thực hiện kịp thời, chính xác. Những thông tin chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đều được công khai trên hệ thống mạng LAN, góp phần quan trọng trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của các cơ quan, đơn vị, hạn chế các tiêu cực trong nội bộ cơ quan.
TP Uông Bí đã xây dựng xong và ban hành các Quy trình TTHC ISO 9001:2008 theo Đề án “Chuyển dời hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 theo mô hình khung phù hợp với Đề án 30 tại UBND thành phố”. Trung tâm Hành chính công (HCC) của thành phố là một trong 2 đơn vị đầu tiên của tỉnh (cùng với TP Móng Cái) mới được khánh thành và triển khai áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động (từ đầu tháng 8-2013), đến thời điểm này đã giải quyết được 2.121/3.300 hồ sơ tiếp nhận thuộc 8 lĩnh vực. Hoạt động của Trung tâm được cải tiến theo hướng đơn giản hoá về hồ sơ, quy trình giải quyết và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC, bước đầu tạo được sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đến giải quyết công việc và tạo mối quan hệ tốt giữa cơ quan hành chính với tổ chức, cá nhân.
Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm, hiện các TTHC triển khai áp dụng tại Trung tâm còn ít (đạt khoảng 35% tổng số các TTHC áp dụng cho cấp huyện và theo Đề án thành lập Trung tâm HCC của thành phố). Đây là mô hình mới, nên việc xây dựng quy chế hoạt động, triển khai phân công công việc, phân cấp sử dụng phần mềm và sự phối hợp giữa các bộ phận Trung tâm và giữa Trung tâm với các phòng, ban cần được nghiên cứu và chỉnh sửa cho phù hợp. Hiện một số CBCC Trung tâm còn lúng túng, trong thực hiện quy trình giải quyết công việc qua phần mềm, nên còn xảy ra tình trạng luân chuyển hồ sơ chưa đúng quy trình. Vì vậy, Trung tâm đã đề xuất với tỉnh tiếp tục mở các khoá đào tạo, bồi dưỡng cho CBCC kiến thức về công nghệ tin học, kỹ năng hướng dẫn công dân và tổ chức đến giải quyết công việc. Cùng với đó, BQL Dự án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng phần mềm trong việc hướng dẫn, thực hiện giải quyết các TTHC, khắc phục những vướng mắc, lỗi phần mềm mới phát sinh và theo yêu cầu thực tế công việc.
Nhật Dạ
Ý kiến ()