Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:57 (GMT +7)
Mỹ thuật Quảng Yên với xu thế hội nhập
Thứ 3, 24/01/2023 | 14:37:23 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, câu chuyện mỹ thuật cũng luôn luôn được các họa sĩ quan tâm và tìm cho mình một hướng đi để không bị lạc hậu với thời cuộc. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin có sức ảnh hưởng, thay đổi, đa dạng về nội dung và hình thức, đem lại những trải nghiệm thị giác thú vị cho công chúng. Sau những chuyển động mạnh mẽ, mỹ thuật Quảng Yên dường như đã định hình, phát huy được những thế mạnh vốn có đồng thời mở cánh cửa để hội nhập và phát triển.
Trong những năm trở lại đây, các họa sĩ Quảng Yên đã chủ động sáng tạo và tìm kiếm cơ hội học hỏi, nâng cao khả năng hội nhập. Hàng năm, các họa sĩ tham gia các cuộc thi sáng tác tranh theo chủ đề từ cấp địa phương tới trung ương. Song hành với triển lãm, hoạt động sáng tác nghệ thuật theo xu hướng hội nhập đã đến với công chúng.
Họa sĩ Vũ Tư Khang là một cây đại thụ của mỹ thuật Quảng Ninh cũng như mỹ thuật Quảng Yên. Ông chủ yếu sáng tác trên chất liệu sơn khắc và khắc gỗ vốn là loại tranh truyền thống, qua những bản khắc mà dòng tranh dân gian còn được lưu giữ lâu bền cho đến bây giờ. Vũ Tư Khang sáng tác nhiều, nhiều cả về đề tài, thể loại. Tranh của ông có nét rất riêng và mang đậm chất dân gian. Các đề tài của ông nhưng là những câu chuyện lịch sử của vùng đất và con người Quảng Yên từ xa xưa cho tới nay. Xem tranh thấy sự cầu kỳ đến tỉ mỉ qua từng nét khắc. Cũng vì đòi hỏi sự kiên trì, công phu, mất nhiều thời gian, lại tốn kém về đầu tư vật liệu, việc kén chọn chất liệu nên hiện tranh khắc ít được các họa sĩ lựa chọn làm chất liệu để sáng tác. Và khi ra đời, một câu hỏi đặt ra là những tác phẩm có đứng được và hội nhập được trong thời đại công nghiệp hóa 4.0 hay không. Nhưng với sự cần cù, sáng tạo ấy những tác phẩm của ông luôn được đánh giá cao qua các cuộc triển lãm trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Những tác phẩm đã dành nhiều giải thưởng của Vũ Tư Khang phải kể đến, như tranh: “Bộ đội Quảng Ninh trên Trường Sơn” - giải B về đề tài chiến tranh cách mạng năm 1984-1989; “Đầm tôm” - giải B Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam 1994, “Kênh mương Yên Lập” - giải A Giải Văn nghệ Hạ Long năm 1991 cùng nhiều giải thưởng danh giá khác đã đọng lại trong giới mỹ thuật về tranh khắc Vũ Tư Khang với “lối riêng” về dòng tranh khắc mang sắc màu văn hóa dân gian truyền thống khó lẫn với ai mà nhiều người ao ước.
Tuy tuổi đã ngoài 80 nhưng họa sĩ Vũ Tư Khang vẫn lao động bền bỉ, say mê sáng tạo đã mang đến cho ông những thành công xứng đáng trong từng tác phẩm, từng giai đoạn. Mỗi tác phẩm còn là những dấu ấn, cung bậc cảm xúc về tình yêu đất nước - con người mà ông từng đi qua khắp vùng miền đất nước, từ bức: “Trường Sơn”, rồi “Thăm đồi A1”, “Dân quân Pa Cô - Tây Nguyên” đến “Cao nguyên đá” v.v..
Những tác phẩm của ông có mặt tại các bảo tàng cùng hàng trăm bức tranh đã được bán, được lưu giữ trong tay các nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước, đó cũng là một điển hình tiêu biểu trước hội nhập.
Họa sĩ Đặng Đình Nguyễn thành công trong sáng tác các tác phẩm tranh cổ động từ lâu. Ông đạt nhiều giải thưởng từ cấp tỉnh tới trung ương qua các cuộc thi sáng tác tranh cổ động, logo... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác trên các chất liệu bột màu, giấy dó nhưng đặc biệt, các tranh sáng tác trên chất liệu lụa của họa sĩ cũng rất thành công và mang dấu ấn riêng. Đến nay, họa sĩ đã có 10 tác phẩm sáng tác về Bác Hồ như tác phẩm tranh lụa “Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng” đoạt giải C và tác phẩm “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” đoạt giải C (không có giải A) tại Cuộc vận động sáng tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Quảng Ninh lần lượt vào các năm 2009 và 2010.
Trong đó, tác phẩm “Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng” được treo tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực đồng bằng sông Hồng và được chọn vào Triển lãm Mỹ thuật với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và "Chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” vào năm 2009. Các tranh “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh”, “Bác Hồ với nông dân”, “Bác Hồ với hải quân” của Đặng Đình Nguyễn lần lượt được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010, 2015 và 2020. Với họa sĩ Đặng Đình Nguyễn thì sáng tác về Bác là một niềm kính trọng, đam mê và yêu thích của mình. Thành công ở mảng tranh cổ động và tranh về Bác Hồ nhưng trong thời gian tới họa sĩ vẫn sẽ thử sức sáng tác những bức vẽ về hình ảnh người phụ nữ trong thời đại mới. Vẫn là hình ảnh của họ trong cuộc sống, học tập, lao động đời thường song sẽ toát lên tinh thần của thời đại, tinh thần của một thế hệ phụ nữ bản lĩnh, năng động, sáng tạo trong mọi lĩnh vực song luôn hài hòa, vẹn tròn trong nét đẹp truyền thống đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Tranh của họa sĩ Đặng Đình Nguyễn được sưu tập tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, trong các bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước...
Với họa sĩ Đào Thế Am hiện đang là chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Quảng Yên. Anh sáng tác tranh trên nhiều loại chất liệu như: Bột màu, sơn dầu, acrylic, tranh gạo, màu nước, khắc gỗ nhưng chất liệu lụa thành công hơn cả. Họa sĩ cũng nhiều lần tham gia triển lãm của tỉnh, khu vực II - Đồng bằng Sông Hồng, triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài lực lượng vũ trang cách mạng vào năm 2004, 2019. Nhưng với chất liệu lụa thì Đào Thế Am thấy nó phù hợp hơn cả và là chất liệu để chọn cho những sáng tác của mình. Lụa là chất liệu truyền thống, nó mang đến cho người xem cái đẹp của sự mềm mại, dịu dàng và tinh tế, sang trọng mà lại giản dị, gần gũi, nhất là về các đề tài phong cảnh, tĩnh vật, chân dung, lịch sử... Đào Thế Am từng có tác phẩm “Bác Hồ với các cháu thiếu nhi”, đạt giải nhì (không có giải nhất) năm 2009 về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức chủ tịch Hồ Chí Minh” của tỉnh và Giải khuyến khích Giải Văn nghệ Hạ Long (2006-2010) lần thứ VII. Tác phẩm “Bác Hồ thăm đảo Tuần Châu” đạt giải khuyến khích trong cuộc thi sáng tác các tác phẩm mới về Quảng Ninh nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh năm 2013 và Triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh toàn quốc tại lễ hội Làng Sen năm 2015. Tác phẩm “Lính biển” triển lãm mỹ thuật Khu vực II - Đồng bằng Sông Hồng năm 2016 và được giới thiệu dự giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt, Đào Thế Am có tác phẩm “Bác Hồ thăm cảng Vạn Hoa” - lụa, đã đạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi vẽ tranh về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ hải quân” năm 2019, giải khuyến khích về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức năm 2020, đạt Giải nhất Văn nghệ Bạch Đằng năm 2020. Tranh của họa sĩ Đào Thế Am cũng đến với nhà sưu tập trong và ngoài nước như Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Mỹ theo dòng chảy tự nhiên của nó.
Họa sĩ Nguyễn Sỹ Chuyên với tính cách trầm lắng, kiệm lời trong sáng tác của mình anh cũng đạt nhiều giải thưởng về tranh cổ động, logo cấp địa phương và trung ương nhưng cũng sử dụng nhiều chất liệu như: Sơn dầu, acrylic, sơn khắc, khắc gỗ... Tác phẩm “Lính đảo đón xuân” được chọn vào Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc về đề tài lực lượng vũ trang năm 2004, “Thợ lò” vào Triển lãm Mỹ thuật Sông Hồng năm 2017 và được giới thiệu dự giải thưởng Hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Tác phẩm “Hát then” đạt giải ba, cuộc thi sáng tác về Đất và người vùng Đông Bắc năm 2017. Tác phẩm “Cắm cọc trên sông Bạch Đằng” đạt Giải C Văn nghệ Bạch Đằng lần thứ III năm 2020.
Họa sĩ Nguyễn Văn Hiệp là người cần mẫn và luôn dành thời gian hoạt động mỹ thuật. Tuy sáng tác không nhiều nhưng cứ vẽ là thành tranh (theo cách nói của họa sĩ Vũ Tư Khang). Họa sĩ Nguyễn Văn Hiệp luôn tìm tòi và tiếp cận những cái mới đưa vào tranh và một số tác phẩm cũng được tham dự các cuộc triển lãm và khu vực II - Đồng bằng Sông Hồng và giành các giải thưởng như: Giải ba với tác phẩm “Thuyền và biển” chất liệu sơn dầu tại Triển lãm Mỹ thuật của tỉnh về đề tài Hạ Long năm 2005. Tác phẩm “Xóm ven sông” chất liệu sơn dầu Giải Khuyến khích Văn nghệ Bạch Đằng lần thứ III năm 2020.
Các họa sĩ trẻ của Quảng Yên cũng thường xuyên có các tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực II - Đồng bằng Sông Hồng và được đánh giá cao như: Họa sĩ Đinh Công Tuyến, là một trong những họa sĩ, giáo viên thành công với thể loại tranh bằng bột điệp. Anh đã hai lần nhận giấy khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực đồng bằng Sông Hồng năm 2015, 2019 với tác phẩm “Bến Giang” và tác phẩm “Sông lặng”. Tác phẩm “Hai cây lim chứng lịch sử bên sông Bạch Đằng” bằng bột điệp đạt giải khuyến khích Văn nghệ Bạch Đằng lần thứ III năm 2020.
Họa sĩ Hà Quý Phong hai lần nhận giấy khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2018, tác phẩm “Cô dâu người Dao” khắc trên kính và năm 2019 với tác phẩm “Lạc mẹ”, “Nắng cuối thu” bằng sơn dầu đã đạt Giải Khuyến khích Văn nghệ Bạch Đằng lần thứ III năm 2020.
Họa sĩ trẻ Vũ Văn Hưng với tác phẩm “Bộ đội giúp dân chống bão”, Triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh và cách mạng” năm 2019 và đạt Giải khuyến khích Văn nghệ Bạch Đằng lần thứ III năm 2020. Còn với họa sĩ trẻ Vũ Văn Hùng, sơn dầu được anh lựa chọn làm chất liệu sáng tác chủ đạo của mình. Những tác phẩm mang phong các hiện thực ấn tượng của Vũ Văn Hùng như: “Bến quê” được nhận giấy khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2020, “Vết tích thời gian” đạt giải thưởng họa sĩ trẻ tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực II Đồng bằng Sông Hồng năm 2022 tại tỉnh Hà Nam. Ngoài ra, các họa sĩ nhí của TX Quảng Yên cũng có được sân chơi mỹ thuật qua hoạt động tại các trung tâm năng khiếu, các câu lạc bộ...
Trong dịp “Triển lãm nhóm tác giả mỹ thuật Quảng Yên” tổ chức tại Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh, các họa sĩ trẻ Quảng Yên đã nhận được rất nhiều sự khích lệ, động viên. Tại buổi hội thảo về mỹ thuật Quảng Ninh, họa sĩ Lê Trí Dũng - hoạ sĩ nổi tiếng Việt Nam có đến 3.000 bức tranh về ngựa đã nhận xét đội ngũ mỹ thuật trẻ Quảng Yên là “lực lượng nòng cốt của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn hiện nay”. Đó cũng là niềm vinh dự đồng thời cũng là sự thử thách, trách nhiệm nặng nề của các họa sĩ trẻ TX Quảng Yên trong giai đoạn mới, khi mà cần đến sự “dấn thân” và vươn tầm hội nhập thời đại của mỗi tác giả trong sáng tác mỹ thuật nói riêng và những người sáng tác văn học nghệ thuật nói chung hiện nay.
Hoạ sĩ Đào Thế Am
Liên kết website
Ý kiến ()