Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 20:22 (GMT +7)
Triển lãm mỹ thuật ở Quảng Ninh hiện nay
Thứ 3, 20/12/2022 | 08:31:56 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, mỹ thuật Quảng Ninh có nhiều triển lãm cả triển lãm tập thể, triển lãm nhóm cũng như triển lãm cá nhân để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng.
Triển lãm mỹ thuật là một trong các hoạt động được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh tổ chức thường xuyên, nhất là các triển lãm "Mừng Đảng - mừng Xuân" vào mỗi dịp đầu năm. Chủ đề các tác phẩm xoay quanh những đề tài về mùa xuân, quê hương đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, vùng đất và con người Quảng Ninh. Các tác phẩm đã được thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau như: Sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, acylic... và đều có sự biểu hiện cảm xúc chân thành, gần gũi với cuộc sống được tái tạo qua lăng kính của các họa sĩ. Triển lãm nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi cho văn nghệ sĩ, cổ vũ động viên văn nghệ sĩ ra sức sáng tạo văn học nghệ thuật, động viên công nhân viên chức người lao động và nhân dân Quảng Ninh phát huy nội lực, thi đua lập thành tích hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm.
Họa sĩ Lê Minh Đức, Chi hội phó Chi hội Mỹ thuật Quảng Ninh, cho biết: Những tác phẩm của họa sĩ Quảng Ninh sáng tác trong những năm gần đây thể hiện phong cách và bút pháp mang đậm dấu ấn cá nhân. Các tác giả diễn tả lại các góc nhìn về cuộc sống đương đại với ngôn ngữ, hình khối, màu sắc và hơn cả đó là tình yêu với nghệ thuật tạo hình.
Nhiều họa sĩ cao tuổi nhưng vẫn có cái nhìn và ngôn ngữ của nghệ thuật thời đại giàu chất cảm và khẳng định phong cách nghệ thuật cá nhân như: Họa sĩ Vũ Tư Khang với chất liệu khắc gỗ, sơn khắc và phấn màu. Chất liệu khắc gỗ không dễ để sáng tác và đòi hỏi tính kiên trì và ngốn nhiều thời gian của họa sĩ. Các họa sĩ Lê Quảng Cương, Phạm Duy Thanh và Nguyễn Viết Quang với điêu khắc than đá, chất liệu đặc trưng mang đậm dấu ấn vùng Đông Bắc. Họ đã đưa ngôn ngữ tạo hình và tình yêu quê hương vào tác phẩm thổi hồn cho những viên đá hòn than. Các tác phẩm của các họa sĩ Nghiêm Vinh, Tùng Lâm, Đinh Thanh, Hoàng Ngọc Châu thể hiện sự khắc họa cuộc sống với cái nhìn nhân văn sâu sắc.
Các họa sĩ Quảng Ninh còn tổ chức nhiều triển lãm nhóm. Đặc sắc nhất là triển lãm nhóm về chất liệu than đá của các họa sĩ Lê Quảng Cương và Nguyễn Viết Quang.Triển lãm đã đem đến cho người xem cái nhìn mới mẻ về mỹ thuật và ghi dấu những sáng tác mới của 2 họa sĩ về đề tài Quảng Ninh và chất liệu Quảng Ninh. Các tác phẩm tranh và tượng được 2 họa sĩ sáng tác bằng tâm huyết và cảm xúc của mình về hình sông, dáng núi, con người Quảng Ninh. Trong số những tác phẩm này, có nhiều bức đã được trao giải, được triển lãm tại các cuộc thi, liên hoan mỹ thuật ở Khu vực Đồng bằng sông Hồng và toàn quốc. Các tác phẩm đều phong phú về đề tài nội dung và chất liệu thể hiện, đặc biệt là các đề tài nông thôn, về gia đình, về đồng bào các dân tộc Quảng Ninh. Đây cũng là cơ hội để giới mỹ thuật có dịp tụ về không gian triển lãm của Hội để cùng nhau tổ chức một sự kiện rất có ý nghĩa; cũng là dịp để giới họa sĩ gặp gỡ, trao đổi tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo.
Nhóm thường xuyên tổ chức triển lãm là nhóm họa sĩ Hòn Gai, gồm các họa sĩ: Nghiêm Vinh, Tùng Lâm và Việt Hùng. Triển lãm giới thiệu hàng trăm bức tranh về Vịnh Hạ Long trên các chất liệu sơn dầu, giấy dó, mực nho, tranh in độc bản được các hoạ sĩ sáng tác trong thời gian gần đây. Đặc biệt, những triển lãm này không chỉ được tổ chức ở địa điểm trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh mà còn nhiều lần được thực hiện chính trên những làng chài.
Gần đây nhất là triển lãm tranh "Quảng Ninh xưa và nay" của nhóm cha con họa sĩ Lê Na, nguyên cán bộ Ty Văn hóa - Thông tin và họa sĩ Lê Tuấn, cán bộ Phòng Bạn đọc - Tư liệu, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh. Triển lãm giới thiệu 100 tác phẩm, trong đó có các ký họa được sáng tác từ những năm 1967 đến nay của 2 cha con họa sĩ Lê Na - Lê Tuấn, bằng các chất liệu đơn giản nhưng đã ký thác tâm huyết và cảm xúc về quê hương, con người Quảng Ninh kiên cường chống giặc, năng động, sáng tạo trong xây dựng quê hương đất nước.
Triển lãm đã tạo nên sự phong phú về đề tài, nội dung và chất liệu thể hiện, trong đó đáng chú ý nhất là đề tài về chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, về gia đình, nông thôn, sự phát triển kinh tế - xã hội, về đồng bào các dân tộc Quảng Ninh trải dài thời gian từ năm 1967 đến nay. Các tác phẩm đã tạo nên bức tranh Quảng Ninh xưa và nay, từ gian khó, dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương tươi đẹp hôm nay.
Hay như một triển lãm khác từng được tổ chức tại Bảo tàng Bạch Đằng đó là triển lãm tranh ký họa chiến trường của họa sĩ Vũ Tư Khang và họa sĩ Nghiêm Vinh. Hai họa sĩ Nghiêm Vinh và Vũ Tư Khang cùng nhập ngũ một đợt và bắt đầu thực hiện những bức ký hoạ vào năm 1968. Bộ tranh của 2 ông không chỉ quý ở những hình ảnh, tư liệu lịch sử mà còn đáng trân trọng bởi cảm xúc, niềm say mê của người lính họa sĩ nơi trận mạc. Hai ông đã từng làm triển lãm tranh ngay giữa đại ngàn Trường Sơn vào tháng 6/1968 để cổ vũ tinh thần bộ đội.
Bộ tranh ký họa năm đó gồm 150 bức với gam màu nhẹ, thể hiện rất nhiều chủ đề khác nhau, như: Cảnh mắc võng giữa rừng, xưởng in dã chiến, cảnh bắt tù binh, cảnh sinh hoạt đời thường của nhân dân hai bên đường hành quân, chân dung những cô giao liên, bộ đội, dũng sĩ diệt xe tăng, y tá cứu thương, cảnh hành quân, tiến công, vận chuyển vũ khí, nét đẹp duyên dáng của cô gái Vân Kiều, diễn viên đoàn kịch còn trẻ măng bẽn lẽn khi nói chuyện với bộ đội. Toàn bộ số tranh này được đơn vị đưa ra Bắc để động viên thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, sau đó được trưng bày ở phòng truyền thống của đơn vị.
Cùng với đó là hàng loạt các triển lãm cá nhân "Ráng chiều" của họa sĩ Nghiêm Vinh, tranh cổ động của họa sĩ Nông Quốc Hiệp, triển lãm của họa sĩ Lê Quốc Huy, các triển lãm "Sắc xuân", "Kết nối cảm xúc" của nhóm họa sĩ Trường Đại học Hạ Long, triển lãm mỹ thuật Làng tranh Yên Hưng, triển lãm sắt vụn, than và rác với chủ đề “Hạ Long không rác thải” của họa sĩ Nguyễn Đức Luận v.v..
Cũng theo họa sĩ Lê Minh Đức, trong các triển lãm gần đây thường chưa có những tác phẩm mang tính cách mạng và định hướng cho phong trào sáng tác cũng như dự báo những xu hướng nghệ thuật. Nhiều triển lãm vắng bóng tác phẩm của những họa sĩ trẻ vốn mang trong mình hoài bão và khát vọng với thế giới quan của thế hệ sẽ làm chủ tương lai của mỹ thuật.
Họa sĩ Lê Minh Đức, Chi hội phó Chi hội Mỹ thuật Quảng Ninh, lý giải nguyên nhân: Sáng tác mỹ thuật tưởng chừng rất dễ nhưng mà lại rất khó. Bất cứ ai cầm bút cũng có thể cho ra đời được một bức tranh, một bức tượng. Tuy nhiên, để có được một tác phẩm thì họa sĩ và nhà điêu khắc phải làm việc hết sức nghiêm túc từ tìm đề tài đến thể hiện tác phẩm. Mà thể hiện nó như thế nào cho hay, cho lạ, cho mang đậm dấu ấn cá nhân có khi họa sĩ lại mất cả đời sáng tác mới khẳng định được cái tôi trong tác phẩm ấy, một cái tôi nhân văn và đẹp đẽ.
Nhưng bù lại các triển lãm đều thể hiện thế giới quan của từng tác giả, những cách tiếp cận cuộc sống rất riêng và phản ánh cuộc sống bằng ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt và phong phú với tình yêu nghề, yêu cuộc sống mãnh liệt, các họa sĩ đang ngày đêm sáng tác những tác phẩm mới góp phần khẳng định vị thế của mỹ thuật Quảng Ninh. Các triển lãm cũng là nơi giao lưu học hỏi trau dồi kiến thức mỹ thuật và kinh nghiệm sáng tác và quảng bá tác phẩm.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()