Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 04/01/2025 12:39 (GMT +7)
Trang phục truyền thống của người Dao Quảng Ninh
Chủ nhật, 12/07/2015 | 14:14:28 [GMT +7] A A
Ở Quảng Ninh, người Dao chia làm 2 nhánh là Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán, sinh sống trên địa bàn ở cả 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Và đều cùng nguồn gốc nhưng trang phục truyền thống của họ cũng có những nét khác biệt khá dễ nhận thấy...
Người Dao Thanh Y xã Bằng Cả (Hoành Bồ) đi dự hội làng. |
Về trang phục truyền thống của đàn ông người Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán không khác nhau là mấy. Họ có hai loại áo. Áo ngắn có thể là áo cánh, áo 5 thân được nhuộm màu nâu hoặc màu chàm. Áo ngắn mặc trong sinh hoạt thường nhật; còn áo dài (thường không khác mấy so với áo dài đàn ông người Kinh) là để mặc khi đi chợ phiên, lễ hội v.v.. Riêng áo ngắn của đàn ông người Dao Quảng Ninh thì may theo lối của người Hoa, với cổ áo cao, nẹp ngực to, đính nhiều khuy được tết bằng vải hoặc khuy đồng. Kiểu áo cổ truyền nhất vẫn là loại áo cổ thấp có xẻ trước ngực, bên trái lai thêm cái nẹp cổ xuống đến gần gấu áo. Có người còn đính thêm mảnh bạc tròn hoặc hình ngôi sao 8 cánh. Quần của đàn ông người Dao may bằng vải nhuộm chàm, theo kiểu cạp lá toạ. Đàn ông người Dao xưa cũng dùng đồ trang sức bằng bạc hoặc đồng để đeo tay, đeo cổ. Một số người để tóc búi tó quấn lên bằng miếng vải màu chàm.
Đối với phụ nữ, trang phục phong phú, sặc sỡ và nhiều hoa văn hơn. Phụ nữ Dao Thanh Y để tóc dài rẽ ngôi, quấn sau gáy và quanh đầu, vuốt ngược lên thành búi. Các búi lại cột chặt với nhau bằng dây gai. Hằng ngày họ đội một cái mũ làm bằng xơ mướp, quấn chỉ đen, có gắn ngôi sao và những hàng khuy bằng bạc. Họ mặc áo màu chàm, áo dài, ống tay rộng. Cổ áo thấp có thêu chữ Vạn bằng tiếng Hán. Hai thân trước may so le nhau. Phụ nữ Dao Thanh Y mặc quần cộc, chỉ dài tới ngang đùi, ống hơi hẹp, dưới gấu không thêu. Đây là nét đặc trưng để phân biệt trang phục phụ nữ Dao Thanh Y Quảng Ninh với người Dao Thanh Y ở Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang v.v.. Yếm là vuông vải trắng, gần cổ có thêu hoa văn và được gắn bạc. Dây lưng dệt bằng chỉ 3 màu đỏ, vàng, đen.
Phụ nữ Dao Thanh Phán Quảng Ninh còn bảo tồn nhiều nét trang phục truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, ở mỗi nơi (như Hoành Bồ, Tiên Yên…) thì lại có chút khác biệt. Như ở Tiên Yên, phụ nữ Dao Thanh Phán thường cạo trọc đầu; mũ hình hộp chữ nhật xếp bằng nhiều lớp vải chồng lên, bốn góc có 4 thanh tre cố định cho khỏi xô lệch. Bên ngoài mũ phủ một lớp khăn dài. Còn phụ nữ Dao Thanh Phán ở Hoành Bồ lại để tóc dài và không đội mũ. Áo của họ tương đối ngắn, ít hoa văn, may hơi mở ngực. Người Dao Thanh Phán ở Hoành Bồ thêu thêm chim công ở vạt trước. Dây lưng cũng vậy, nếu ở Tiên Yên nó được làm bằng vải in hoa thì ở Hoành Bồ lại được làm bằng lụa nhiều màu chập lại...
Thầy cúng người Dao lại có trang phục riêng biệt với nhiều kiểu mũ khác nhau tuỳ vào việc hành lễ. Trên đầu họ đội khăn vuông màu chàm thêu chỉ nhiều màu. Khi hành lễ, thầy cúng mặc bên trong áo dài, bên ngoài áo tay lửng cổ tròn, hai thân trước có hình rồng. Thầy mặc váy màu chàm thêu hình người, hình chim công. Xà cạp của thầy bằng vải trắng thêu hoa văn bằng chỉ đen.
Nhìn chung, trang phục truyền thống của người Dao có nhiều nét độc đáo mang đậm dấu ấn thủ công và gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân mỗi vùng. Bởi vậy, theo nghệ nhân Diềng Chống Sếnh (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà), để thêu được một bộ trang phục của người Dao, đặc biệt là trang phục nữ, là không hề đơn giản một chút nào. Muốn thêu theo kiểu truyền thống phải có những sợi chỉ màu và cây kim thêu to bằng cây tăm, dài cỡ chừng 5cm. Khó nhất khi thêu hoạ tiết trên áo, đó thường là hình sông núi, sóng nước… rất tinh tế, công phu. Trên mỗi hoạ tiết là cả một câu chuyện mà người thêu muốn gửi gắm. Điều khó hơn nữa là nghề thêu đều do “mẹ truyền con nối” chứ không có sách vở nào dạy. Kỹ nghệ thêu là thách thức bắt buộc với người phụ nữ Dao. Nghệ nhân Trương Thị Quý (xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ), bảo rằng ngày xưa bất kỳ cô gái Dao nào cũng phải thuần thục việc kim chỉ, thêu thùa…
Những năm gần đây, cách ăn mặc của người Dao đã lai tạp, vốn cổ nghề thêu truyền thống của ông cha để lại cũng dần mai một, bà con thường không mấy mặn mà lắm với việc thêu thùa. Đáng mừng là hiện nay ở một số nơi, người ta đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hoá, trong đó có nghề thêu truyền thống của dân tộc mình. Như ở Hoành Bồ đã có lớp học may thêu do nghệ nhân Trương Thị Quý (xã Bằng Cả) và Bàn Thị Vinh (xã Quảng La) truyền dạy và các lớp học này đang có xu hướng ngày một đông hơn. Thêm nữa, Khu bảo tồn văn hoá dân tộc Dao ở Bằng Cả cũng đang phát huy hiệu quả, là nơi để bà con sinh hoạt văn hoá, khôi phục nghề may thêu trang phục truyền thống, những giá trị văn hoá quý báu của dân tộc trong nhịp sống sôi động hiện nay.
Hải Dương
Liên kết website
Ý kiến ()