Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 15:03 (GMT +7)
Tránh tư tưởng chủ quan
Thứ 7, 23/05/2009 | 00:01:14 [GMT +7] A A
Ngày 18-5, tại huyện Vân Đồn lại xuất hiện thêm một ca bệnh bị tiêu chảy cấp nguy hiểm. Đó là một phụ nữ 38 tuổi, trú tại thôn Đông Tiến, xã Đông Xá, làm nghề buôn bán tại chợ Cửa Ông (Cẩm Phả). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt lả, tiêu chảy liên tục, mạch, huyết áp giảm và được chẩn đoán bị tiêu chảy cấp nguy hiểm. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và con bệnh nhân (2 tuổi) xác định dương tính với phẩy khuẩn tả...
Tính đến nay, đây là trường hợp thứ hai mắc bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm trên địa bàn tỉnh được phát hiện (trường hợp đầu tiên là một bệnh nhân ở Uông Bí). Mặc dù cháu bé con bệnh nhân ở Vân Đồn dương tính với phẩy khuẩn tả, nhưng không có các biểu hiện của bệnh tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, cháu vẫn được đưa vào viện điều trị cùng với mẹ.
Theo điều tra dịch tễ ban đầu, bệnh nhân bị bệnh ở Vân Đồn trước khi nhập viện có ăn chè tại chợ, sau đó mua bún, rau sống ở chợ về nhà ăn...
Đến nay, theo thông báo của Bộ Y tế, đã có 13 tỉnh, thành ghi nhận có bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả (trong đó có Quảng Ninh), với gần 60 người bị nhiễm, trong tổng số hơn 600 bệnh nhân bị tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế của một số địa phương, thì con số thực tế bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm không ít như vậy, nhất là ở địa bàn Hà Nội (nơi đầu tiên phát dịch). Nguyên nhân của sự “vênh” số liệu này, theo các nhà chuyên môn là do việc cập nhật thông tin chưa kịp thời. Chính những thông tin lạc hậu, không kịp thời này khiến nhiều người dân chủ quan, cho rằng dịch bệnh mới xảy ra ở số ít người, nên vẫn “thoải mái” sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, mặc dù đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo...
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm nhóm A, cơ quan có thẩm quyền công bố là Bộ Y tế. Thế nhưng, do việc cập nhật thông tin chậm, chủ yếu căn cứ vào số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trong khi các địa phương có năng lực xét nghiệm tương đương tuyến T.Ư và cho kết quả gần như trùng với la bo xét nghiệm của T.Ư. Vì vậy mới xảy ra tình trạng trung ương “nói” ít địa phương “nói” nhiều. Còn người dân thì chẳng biết tin vào số liệu nào, dẫn đến mơ hồ, chủ quan...
Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, ngoài sự nỗ lực, chủ động của ngành Y tế, rất cần sự hợp tác, phối hợp của người dân. Trong đó đặc biệt là ý thức cảnh giác của mỗi người. Vì vậy công tác tuyên truyền, giáo dục phải được đặc biệt coi trọng để nâng cao ý thức tự đề phòng. Nếu người dân còn chủ quan, lơ là thì dù cơ quan chuyên môn có nỗ lực đến mấy cũng khó có thể đạt được kết quả cao trong phòng, chống dịch...
Liên kết website
Ý kiến ()