Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:46 (GMT +7)
Trao truyền nét đẹp văn hóa trong các dân tộc thiểu số
Chủ nhật, 30/06/2024 | 16:12:51 [GMT +7] A A
Gia đình là tế bào của xã hội. Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Quảng Ninh phải xuất phát từ việc xây dựng nếp sống văn hoá từ mỗi gia đình.
Hiện nay, người dân tộc thiểu số chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, với 42 thành phần dân tộc, cư trú ở hơn 85% diện tích của tỉnh. Đây là những nơi không chỉ có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia mà còn có ý nghĩa là phên giậu về văn hoá. Bản sắc văn hóa các dân tộc được hình thành và gìn giữ đầu tiên từ môi trường gia đình, sau đó mới đến cộng đồng, làng bản. Tại đây, những giá trị độc đáo được trân trọng, bảo tồn, phát huy giá trị góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Gia đình người dân các dân tộc thiểu số cũng dần loại bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín, dị đoan, rườm rà trong việc tổ chức ma chay, cưới hỏi ra khỏi đời sống cộng đồng.
Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành văn hóa và các địa phương tích cực triển khai các dự án, đề án về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có việc coi trọng giáo dục văn hóa truyền thống từ gia đình. Đồng thời, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ trang phục truyền thống, công cụ lao động truyền thống, nhạc cụ, khí cụ, đồ dùng sinh hoạt truyền thống. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị một số làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Ngày 17/5/2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với nguồn kinh phí dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng, cùng nhiều chính sách đặc thù khác dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh...
Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững" đặt mục tiêu đến năm 2030 hàng năm có 95% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trên 90% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng và tham gia các hoạt động văn hóa. Quảng Ninh tiếp tục xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đồng thời nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, yêu thương nhau; kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Trong 6 tháng cuối năm 2024, Sở Văn hóa - Thể thao sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số" trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một vấn đề cần thiết, không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc mà còn tạo động lực phát triển toàn diện, rút ngắn khoảng cách, chênh lệch mức sống giữa các vùng miền. Tỉnh đã chỉ đạo ngành văn hóa và các địa phương tích cực triển khai các dự án, đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm qua, việc phát hiện, lưu giữ những giá trị văn hóa, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ, tín ngưỡng đặc sắc vẫn được các gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Chẽ coi trọng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" thường xuyên được duy trì, đẩy mạnh. Đến nay, đã có 92,2% số hộ trong huyện được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa.
Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, cho hay, cùng với những chính sách về bảo tồn, huyện đã triển khai thực hiện chính sách ưu đãi những người có uy tín trong cộng đồng, nghệ nhân, già làng, trưởng bản để nâng cao hơn nữa việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Huyện kết hợp công tác bảo tồn các giá trị văn hoá với phát triển ngành nghề thủ công truyền thống và du lịch cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()