Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 05:43 (GMT +7)
Trẻ bị sốc sốt xuất huyết: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí
Thứ 4, 21/09/2022 | 14:05:07 [GMT +7] A A
Tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã ghi nhận 211.388 ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 87 ca tử vong. Số ca mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng đòi hỏi phụ huynh cần có cách xử trí đúng khi trẻ bị sốt xuất huyết, tránh biến chứng nguy hiểm.
Sốc sốt xuất huyết được biết là triệu chứng nặng nề nhất của sốt xuất huyết. Thông thường sốt xuất huyết có triệu chứng được chia thành 3 phân loại là sốt xuất huyết, sốt xuất huyết dengue và sốc sốt xuất huyết.
1. Sốc sốt xuất huyết xảy ra khi nào?
Khi huyết tương thoát ra khỏi các mạch máu nhỏ, trẻ bị sốt xuất huyết dengue có thể bị tiến triển thành sốc sốt xuất huyết.
1.1. Biểu hiện của sốc sốt xuất huyết là gì?
Khi bệnh nhân sốt xuất huyết dengue có huyết tương bị thoát ở mức độ nặng sẽ gây ra hiện tượng sốc giảm thể tích, khoang màng phổi bị ứng dịch kèm theo dịch nhiều trong ổ bụng, xuất huyết nặng và suy tạng hay suy tuần hoàn cấp.
Trong đó xuất huyết nặng có thể là chảy máu cam nặng, xuất huyết trong cơ, xuất huyết âm đạo, rong kinh, xuất huyết phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết tạng và có thể kèm theo tình trạng sốc nặng, bệnh nhi bị giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa dẫn tới suy đa phủ tạng và bị đông máu nội mạch nặng.
Với suy tạng nặng có thể xảy ra suy gan cấp với chỉ số men gan AST và ALT lớn hơn hoặc bằng 1000U/L hoặc suy thận cấp, bị rối loạn tri giác hay còn gọi là xuất huyết thể não, viêm cơ tim, bị suy tim hay bị suy giảm chức năng của các cơ quan khác.
Cần cẩn thận từ ngày thứ 3 tới ngày thứ 7 của bệnh bởi có thể xảy ra tình trạng suy tuần hoàn cấp.
Các triệu chứng sốc sốt xuất huyết có thể là:
- Trẻ vật vã, bứt rứt hay li bì
- Đầu ngón tay, ngón chân lạnh, da lạnh ẩm
- Mạch gấp, mảnh
- Huyết áp kẹt có hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu từ 20mmHg trở xuống. Trường hợp khác có thể bị tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp
- Trẻ đi tiểu ít.
1.2. Mức độ sốc sốt xuất huyết
Sốc sốt xuất huyết được chia thành 2 cấp độ là sốc sốt xuất huyết dengue và sốc sốt xuất huyết dengue nặng. Cụ thể:
- Sốc sốt xuất huyết dengue: Trẻ có biểu hiện của suy tuần hoàn, mạch đập nhanh nhỏ, tụt hoặc kẹt huyết áp, da lạnh ẩm, chi lạnh, trẻ bứt rứt, li bì hoặc vật vã.
- Sốc sốt xuất huyết dengue nặng: Trẻ bị sốc nặng, mạch rất nhỏ khó bắt, không đo được chỉ số huyết áp.
Tùy từng thời điểm cấp cứu trẻ bị sốc sốt xuất huyết mà trẻ sẽ phục hồi ở các mức khác nhau. Chẳng hạn nếu như phát hiện sớm và được chỉ định bù dịch đầy đủ trẻ sẽ nhanh chóng bình phục. Nhưng nếu không phát hiện sớm và can thiệp kịp thời trẻ có thể rơi vào tình trạng bị sốc nặng, mạch đập nhanh và tụt hoặc không đo được huyết áp.
Tình trạng sốc kéo dài sẽ không hồi phục dẫn tới suy đa phủ tạng và tử vong trong thời gian ngắn chỉ từ 5 - 6 tiếng khi không được cấp cứu đúng lúc.
2. Sốt xuất huyết khi nào cần tới bệnh viện?
2.1. Điều trị sốt xuất huyết
Thông thường thì điều trị sốt xuất huyết thường là ngoại trú hoặc theo dõi tại các điểm y tế cơ sở. Phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và quản lý giám sát các triệu chứng bất thường, đề phòng sốc sốt xuất huyết để xử lý kịp thời.
- Hạ sốt
Với các trường hợp bệnh nhân chỉ bị sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, các phương pháp hạ sốt vật lý là những phương pháp được khuyến khích sử dụng. Người bệnh cần được cởi bỏ bớt quần áo, không đắp chăn mền, lau người bằng nước ấm (tại các vị trí như cổ, nách, bẹn),...
Thuốc hạ sốt chỉ được khuyến cáo sử dụng khi bệnh nhân không đáp ứng với hạ sốt bằng phương phương pháp vật lý hoặc người bệnh sốt cao trên 38,5 độ C. Loại thuốc được khuyến khích sử dụng cho người bệnh sốt xuất huyết là paracetamol với liều từ 10-15mg/kg/ lần sử dụng và mỗi lần sử dụng phải cách nhau ít nhất từ 4-6 tiếng.
Lưu ý không sử dụng Aspirin, Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ bị sốt xuất huyết bởi có thể gây ức chế tập tiểu cầu tăng nguy cơ bị xuất huyết hơn.
- Bù dịch
Không chỉ riêng sốt xuất huyết, bất cứ bệnh sốt nào đều cần chú ý tới việc bù dịch, tránh cho trẻ bị mất nước. Do đặc trưng của bệnh mà trẻ bị sốt xuất huyết tăng tính thấm thành mạch khiến dịch đi từ lòng mạch di chuyển ra những khu vực gian bào.
Nhưng không phải cứ bị sốt xuất huyết là sẽ cần truyền dịch. Các đường bù dịch tại nhà được khuyến khích là đường uống bằng các dung dịch oresol, nước canh, nước hoa quả,.... Nếu muốn truyền dịch cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Ngoài ra cần chú ý trong dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết, ăn uống đủ chất; vệ sinh cá nhân sạch sẽ và nếu có dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng tới cơ sở bởi khi trẻ hết sốt vào ngày thứ 4 tới thứ 6 là giai đoạn bệnh có thể trở nặng.
2.2. Sốt xuất huyết khi nào cần tới bệnh viện?
Đầu tiên, khi trẻ sốt từ 2 - 3 ngày trở lên trong mùa dịch sốt xuất huyết như hiện tại, cha mẹ nên cho trẻ tới bệnh viện để được chẩn đoám sớm. Với những trẻ chẩn đoán bị bệnh và được yêu cầu điều trị tại nhà, phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu sau để nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế:
- Trẻ đã giảm sốt hoặc hết sốt nhưng khó chịu hơn
- Trẻ không ăn, không uống, bỏ bú
- Đau bụng, nôn mửa liên tục
- Đầu chi lạnh, da ẩm
- Có dấu hiệu mệt lả, bứt rứt hoặc li bì
- Xuất huyết ở miệng, mũi hoặc âm đạo
- Không đi tiểu đã 6 tiếng
- Đi đại tiện phân đen
- Có các hành vi thần kinh như bị lú lẫn hay kích thích,...
Nhìn chung do sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng ngừa nên việc tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn phòng tránh để ngừa bệnh ở cả người lớn và trẻ nhỏ là vô cùng quan trọng. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới việc nhiễm sốt xuất huyết rồi vẫn có nguy cơ tái nhiễm chủng khác với mức độ nặng hơn lần nhiễm trước đó nên không nên chủ quan.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()