Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:04 (GMT +7)
Trẻ bị tay chân miệng rồi có mắc lại không?
Thứ 5, 27/07/2023 | 14:07:07 [GMT +7] A A
Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Nhiều cha mẹ băn khoăn trẻ mắc tay chân miệng có bị lại không? Dưới đây là những thông tin giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Bệnh tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi.
Dấu hiệu sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do các loại virus đường tiêu hóa (gọi chung là Enterovirus) gây ra. Tác nhân thường gặp nhất là virus Coxsackie A16, Enterovirus 71 (EV71) thì ít gặp hơn. Biến chứng là viêm màng não do virus, viêm não hoặc tổn thương cơ tim.
Theo thống kê, số trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng chủ yếu là do Enterovirus 71 gây ra, phổ biến nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 75% - 86%).
Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ
- Cấp độ 1: Trẻ chỉ có loét miệng hoặc tổn thương da.
- Cấp độ 2a: Trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
+ Bệnh sử có giật mình dưới 2 lần trong vòng 30 phút và không ghi nhận lúc khám.
+ Sốt trên 2 ngày, hay sốt trên 39 độ C, nôn nhiều, lừ đừ, quấy khóc vô cớ.
- Từ cấp độ 2b, độ 3, độ 4: Trẻ có biểu hiện biến chứng: Thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng dần.
Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm, để trẻ được điều trị kịp thời và có biện pháp cách ly, chăm sóc hợp lý.
Bệnh tay chân miệng có thể bị tái nhiễm nhiều lần
Năm nào cũng vậy, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Chính vì vậy, nhiều cha mẹ băn khoăn trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần không?
Thực tế cho thấy trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần thứ 4 hoặc nhiều hơn vì:
- Trẻ sau khi bị nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng, dù có biểu hiện lâm sàng hay không có triệu chứng, thì người bệnh ít nhiều có kháng thể chống lại virus. Tuy nhiên, lượng kháng thể không nhiều, không bền vững, nên không đủ để bảo vệ trẻ.
- Ngoài hai chủng virus gây bệnh tay chân miệng phổ biến hay gặp ở trẻ, còn có hơn 10 chủng virus thuộc nhóm virus đường ruột (Enterovirus) cũng có thể gây bệnh tay chân miệng. Đây chính là lý do khiến trẻ có thể bị mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần.
- Khi trẻ bị nhiễm bệnh tay chân miệng do một chủng virus nào đó, trẻ chỉ có kháng thể chống lại loại virus mà trẻ vừa bị nhiễm. Hoàn toàn không có tình trạng miễn nhiễm chéo giữa các chủng virus gây bệnh tay chân miệng ở trẻ.
Điều trị và chăm sóc đúng cách khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Theo đó, mục tiêu điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biện pháp điều trị tích cực với những trường hợp nặng.
Cha mẹ cần thực hiện đúng theo nguyên tắc sau:
Cần cách ly trẻ mắc tay chân miệng để hạn chế sự lây nhiễm
- Trẻ khi được xác định mắc bệnh tay chân miệng phải được nghỉ học cho đến khi bệnh khỏi hẳn, để ngăn chặn sự lây nhiễm cho các trẻ khác trong môi trường học đường.
- Nếu gia đình có nhiều trẻ cùng chung sống, nên cách ly tuyệt đối giữa trẻ lành và trẻ bệnh bằng nhiều cách, tùy theo hoàn cảnh gia đình.
- Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bị bệnh, nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh.
- Sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch, để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành.
Cần vệ sinh cho trẻ bệnh
- Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng, nước sạch, để giúp hạn chế sự lan truyền bệnh tay chân miệng cho trẻ lành, ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm.
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy, để ngăn ngừa sự tái nhiễm bệnh tay chân miệng qua đường tay – miệng.
- Quần áo của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn Cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch.
- Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, bát đũa và thìa ăn cơm… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
Cần tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc điều trị tại nhà của bác sĩ
Hiện tại, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị, điều trị cơ bản chủ yếu là điều trị triệu chứng bao gồm:
-
Giảm đau miệng và hạ sốt bằng cách lau người bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10 – 15mg/kg cân nặng mỗi 4 – 6 giờ, tuyệt đối không sử dụng Aspirine để hạ sốt, giảm đau cho trẻ em.
-
Có thể sử dụng Antacide dạng gel chấm vào sang thương ở miệng, giúp trẻ bớt đau đớn để ăn uống dễ dàng hơn.
-
Giảm ngứa cho trẻ bằng các loại thuốc kháng Histamine thông thường như Chlorpheniramine, Theralene... theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
-
Bổ sung các loại nước trái cây ép chứa nhiều vitamin.
Đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế đảm trách việc điều trị bệnh nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện sau:
-
Sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực.
-
Giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần.
-
Run chi (thấy rõ khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm), yếu chi.
-
Trẻ đi đứng loạng choạng.
-
Trẻ đảo mắt bất thường.
-
Nôn ói nhiều.
-
Quấy khóc (dỗ không nín).
-
Co giật.
-
Thở mệt.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()