Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:18 (GMT +7)
Chủng virus nguy hiểm gây bệnh tay chân miệng
Thứ 2, 24/07/2023 | 11:32:20 [GMT +7] A A
Bộ Y tế thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận gần 15 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có ít nhất 7 ca tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, trong đó có gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số các ca bệnh phải nhập viện có 20-30% nhiễm chủng Entero virus 71 (EV71).
TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và EV71. Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 lại gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Hải thông tin thêm, bệnh tay chân miệng có hai biến chứng thường gặp là thần kinh và suy hô hấp, suy tuần hoàn. Năm nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu và cuối giấc ngủ…
Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông), bác sĩ Trần Thị Kim Anh cho biết, khai thác tiền sử một số trường hợp, 3 ngày đầu khi mắc bệnh, trẻ bị sốt nhẹ khoảng 37,8 độ C, bố mẹ đã cho các bé dùng kháng sinh, hạ sốt, chống nôn. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng do virus gây ra là không đúng vì kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị bệnh do vi khuẩn. Trường hợp các bé mắc tay chân miệng mà kết quả xét nghiệm có viêm nhiễm do vi khuẩn thì bác sĩ mới cân nhắc kê kháng sinh điều trị.
“Thay vì tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, ngay khi các bé có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, cha mẹ nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế để xác định mức độ diễn biến của bệnh, nghe tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp từ bác sĩ chuyên khoa”, bác sĩ Kim Anh khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Kim Anh: bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây nên, dễ lây và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mầm non, mẫu giáo. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, nôn, biếng ăn. Ngoài ra, sau khi sốt, các nốt còn mọc ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bắp chân… Thời gian ủ bệnh tay chân miệng trong khoảng 3-7 ngày, không triệu chứng.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng nặng của bệnh. Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đưa ra các dấu hiệu bệnh được đánh giá là nặng và cần nhập viện khi có các biểu hiện như: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều hơn 2 lần trong 30 phút; vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường (như ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè…); run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()