Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 15:31 (GMT +7)
Trẻ em và văn hoá đọc
Chủ nhật, 02/06/2013 | 05:49:45 [GMT +7] A A
Chưa có những con số điều tra thật cụ thể, nhưng chỉ cần quan sát xung quanh thôi, ta cũng có thể thấy một tình trạng chung hiện nay là rất nhiều trẻ em không thích đọc sách. Những em không ham học, chỉ mải chơi game, chơi điện tử, chát chít v.v.. ít đọc sách đã đành, ngay cả những em ham học và học giỏi cũng có nhiều em không mấy hứng thú với việc đọc sách. Các em có thể tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học thêm môn này, môn kia, với thầy giáo này, cô giáo nọ v.v.. nhưng đọc sách thì lại thờ ơ...
Vì sao trẻ em không thích đọc sách? Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân được nói đến nhiều nhất chính là do hiện nay các loại hình văn hoá phẩm khác như ti vi, internet v.v.. phát triển như vũ bão, với rất nhiều lượng thông tin đa dạng hơn, nhanh hơn, tiện hơn và hấp dẫn hơn, khiến cho đến người lớn cũng trở nên lười đọc sách, chứ đừng nói con trẻ. Và vì bản thân thờ ơ với sách nên các ông bố, bà mẹ, các anh, chị, cũng ít coi trọng việc khuyến khích, tạo cho con em mình niềm hứng thú đọc sách; chưa kể có người còn có ý nghĩ cho rằng đọc sách là “vô bổ”, là “mất thời gian” để đầu tư cho việc học ở nhà và ở trường vốn đang càng ngày càng trở nên một áp lực quá nặng với các em…
Từ những nguyên nhân mang tính xã hội như trên, việc trẻ em ham đọc sách, tự tìm đến sách như cái thời “đói thông tin” trước đây thật là hiếm. Đây là điều rất đáng lo ngại; bởi nó như một “vòng tròn luẩn quẩn”: những đứa trẻ không thích đọc sách là do tình trạng xuống cấp của văn hoá đọc trong xã hội hiện nay; để rồi chính chúng nó lại là nguyên nhân tạo nên sự xuống cấp của văn hoá đọc trong tương lai…
Chúng ta ai cũng biết, đọc sách có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách trẻ thơ! Đọc sách một cách có chọn lọc, có định hướng đúng không chỉ là để có thêm tri thức mà còn là cách để bồi bổ tâm hồn, giúp cho những cảm xúc lành mạnh thăng hoa… Vậy nên, đừng coi nhẹ việc đọc sách đối với các em! Rất tiếc hiện nay, không chỉ các ông bố, bà mẹ, mà đôi khi ngay cả nhà trường, tổ chức Đoàn, Đội v.v.. cũng chưa thực sự chú ý đúng mức đến vấn đề này! Trong các chương trình ngoại khoá ở các trường học hay trong các hoạt động sinh hoạt Đoàn, Đội ở địa phương v.v.. dường như việc định hướng, khuyến khích các em đọc sách vẫn chưa nhiều, chưa thật hiệu quả. Đã đành trong việc này lỗi có một phần do thị trường sách thiếu nhi hiện nay chưa có nhiều những cuốn thật sự hấp dẫn trẻ em, chưa có nhiều những cuốn thật sự tạo cho các em say mê... Nhưng không phải là không có sách hay cho trẻ em! Và càng vì thế, càng cần có sự quan tâm của người lớn hơn nữa trong việc chọn sách, giới thiệu sách một cách đúng đắn, phù hợp cho con em mình.
Từng biết ở TP Cẩm Phả, cụ Phạm Văn Tuyển, một lão kỳ thủ nổi tiếng trong làng cờ tướng Việt Nam, nay đã ngoài tám mươi tuổi, vẫn tự mình xây dựng “Câu lạc bộ Văn hoá - Thể thao gia đình” và “Thư viện gia đình” để khuyến khích các em thiếu nhi trong khu vực đến sinh hoạt, rèn luyện thể thao và đọc sách! Đây là việc làm hay, đáng để các gia đình, dòng họ, các tổ dân, khối phố v.v.. học tập, nhân rộng thành phong trào. Nhất là trong dịp hè về, cùng với các hoạt động khác như tổ chức tham quan, dã ngoại, thi đấu thể thao v.v.. các anh, chị phụ trách Đội ở cơ sở cũng nên kết hợp tổ chức các buổi đọc sách, giới thiệu sách v.v.. cho các em một cách thật sinh động, sáng tạo. Tạo cho các em sự hứng thú đọc sách cũng là một cách để các em có những ngày hè vui tươi, bổ ích và lý thú; vậy nên đừng coi nhẹ chủ đề này trong các chương trình hoạt động hè của thiếu nhi...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()