Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:02 (GMT +7)
Trên quê hương cách mạng Yên Đức
Chủ nhật, 02/07/2023 | 12:32:47 [GMT +7] A A
Xã Yên Đức nằm ở phía Đông Nam của TX Đông Triều, có vị trí tiếp giáp giữa Quảng Ninh, Hải Dương và Hải Phòng, nằm bên ngã ba sông Kinh Thày, sông Đá Vách tụ vào thành sông Đá Bạch đổ ra Bạch Đằng giang. Từ lâu, Yên Đức được biết đến là một vùng quê giàu truyền thống lịch sử văn hóa nhất của Đông Triều.
Không những có vị trí địa lý khá độc đáo mà Yên Đức còn được thiên nhiên ban tặng cho một phong cảnh kỳ thú, với những dãy núi đá nhấp nhô trùng điệp muôn hình, muôn vẻ ven dòng sông Đá Bạch, gắn với những di tích lịch sử trong chiến thắng Bạch Đằng 1288 của dân tộc, những câu chuyện cổ tích và rất nhiều những truyền thuyết dân gian đặc trưng của nền văn minh lúa nước.
Yên Đức đang lưu giữ rất nhiều những trầm tích văn hoá lịch sử của cha ông. Năm 1990, tại núi Thiên Liêu thuộc thôn Đức Sơn ở phía Đông Nam của xã đã phát hiện bia Tam Bảo địa, bia được dựng vào năm Thiệu Phong thứ 8 (1348), đời vua Trần Dụ Tông. Nội dung bia này rất có giá trị, là tài liệu duy nhất nói về tình hình điền sản của Trần Khắc Chung cùng ngôi chùa thời Trần ở đây mà ở các sách sử khác chưa từng đề cập tới. Theo văn bia, ngôi chùa cổ ở đây được công chúa Bảo Hoàn và Trần Khắc Chung cúng đất trang Ma Liêu làm của Tam bảo. Vua ngự giá đến trang Ma Liêu, ban cho núi tên là núi Thiên Liêu, chùa tên là Sùng Nhân… Truyền thống thường niên đầu xuân mới, lần lượt 5 thôn đều tổ chức hội làng tại các ngôi chùa của làng. Đến ngày 16 tháng Giêng thì các thế hệ con, cháu của 8 dòng họ trong làng Đồn Sơn long trọng rước “ông Bồ” vào nhà thờ trong chân núi Thung cúng thủy tổ làng, sau đó khai hội chùa Cảnh Huống. Dịp cuối năm, vào ngày 23/10 (âm lịch) Đảng bộ, chính quyền xã tổ chức giỗ trận Núi Canh tưởng nhớ 73 liệt sĩ anh dũng hy sinh tại hang núi Canh trong trận chiến đấu chống càn của quân Pháp năm 1950.
Năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận Cụm di tích lịch sử, thắng cảnh Yên Đức gồm các ngọn núi của thôn Yên Khánh và thôn Đồn Sơn ở phía Tây Nam của xã như núi Con Mèo, núi Đống Thóc, núi Con Chuột, núi Thung và núi Canh là di tích quốc gia. Điều đặc biệt là núi Con Mèo nằm ngay mép sông, núi Con Chuột thì lại có vị trí rất độc đáo nằm ở ngã ba sông, giáp ranh địa phận xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và phường Minh Tân, TX Kinh Môn (Hải Dương). Đống Thóc là ngọn núi duy nhất là núi có lớp đất rất dày phủ trên đá. Trong các núi đá của Cụm di tích, có rất nhiều các văn bia cổ, trong số đó có bài thơ chữ Nôm cổ mang dòng lạc khoản “Nhân tôn Hoàng đế, Trùng Hưng bát niên xuân” khắc trong hang núi Con Mèo, tương truyền là thơ ngự đề của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Văn bia được các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm xác định văn bia cổ là một trong số những di sản Hán Nôm rất giá trị ở Quảng Ninh. Hiện tại, Cụm di tích đang được tỉnh lập quy hoạch chi tiết và sẽ triển khai công tác tu bổ trong năm 2024 và 2025. Đầu năm 2023, UBND tỉnh đã có bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh chùa Dương Đê (Hương Lan tự) và đền thờ Đức thánh Hang Son trong thôn Yên Khánh.
Ông Hà Quang Viên, cán bộ xã đã nghỉ hưu tâm sự, các thế hệ người dân Yên Đức rất quan tâm trao truyền cho con cháu các di sản văn hóa mà quê hương được lưu giữ để bảo tồn và ghi vào lịch sử truyền thống của địa phương. Theo lời kể của ông Viên, chúng tôi tìm hiểu tại lý lịch Cụm di tích lịch sử - thắng cảnh Yên Đức do Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh lập tháng 6/1993 đã ghi: “Các dãy núi đá vôi ở Yên Đức hội tụ một quần thể danh sơn sơn thủy hữu tình, mỗi tên núi tên sông gắn với những kỳ tích dựng và giữ nước của dân tộc, gắn liền với những truyền thống của cư dân nông nghiệp. Vùng đất Yên Đức đã là đề tài hấp dẫn đối với các nhà khảo cổ học, các nhà khoa học lịch sử. Từ xa xưa, vua Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây làm sở chỉ huy trận chiến Bạch Đằng năm 1288”. Lịch sử Đảng bộ xã Yên Đức xuất bản năm 1998 giới thiệu: “Yên Đức có một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng cả về đường bộ lẫn đường thủy. Vì vậy, Yên Đức trở thành một trong những sở chỉ huy tiền phương của nhà Trần chống quân Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII”…
Những năm gần đây, có thêm nhiều phát hiện mới về vùng đất nơi ngã ba sông này. Cùng việc nghiên cứu khảo cổ học tại khu vực Thiên Long Uyển, các nhà khoa học đã khẳng định Thiên Liêu sơn là nơi đóng đại bản doanh của hai vua Trần trong trận chiến Bạch Đằng giang lịch sử năm 1288. Lùi sâu hơn về quá khứ, hệ thống những cột gỗ kiến trúc cổ phát hiện tại khu vực ao đầm, bãi triều nơi đây là minh chứng cho sự hưng thịnh của Văn hóa Đông Sơn ở nơi này từ khoảng thế kỷ III, IV trước Công nguyên.
Năm 2022, người dân Yên Đức vui mừng bởi tỉnh đã giải phóng mặt bằng dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều chạy qua xã. Đầu năm 2023, càng phấn khởi, vui hơn bởi TP Hải Phòng đã khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân kết nối huyện Thủy Nguyên với TX Đông Triều qua sông Đá Bạch, thay cho phà Lại Xuân hiện đang là “rào cản” trong việc đi lại giữa hai khu vực. Đây là hành lang đường bộ thứ tư nối Quảng Ninh với Hải Phòng sau quốc lộ 10, cầu Bạch Đằng và cầu Bến Rừng. Cùng với đó, TP Hải Phòng cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 nối quốc lộ 10 với đường tỉnh 333 chạy qua xã Yên Đức. Cuối tháng 3, tại Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 333 Quảng Ninh nối với quốc lộ 18 gồm hai làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ. Sang năm 2024, các dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm cảng ven sông và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn huyện Thủy Nguyên với TX Đông Triều qua xã Yên Đức và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Khi đó, tại xã Yên Đức sẽ hình thành chuỗi đô thị mới; phát huy dư địa đất đai, mở rộng không gian phát triển mới, kiến tạo cảnh quan, kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch.
Các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng ở xã Yên Đức là tài nguyên quốc gia sẽ phải được đánh thức, tạo ra giá trị cho đời sống, tạo ra ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên. Các di sản văn hóa được bảo tồn, du lịch phát triển sẽ tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Đó cũng là nguồn lực để đến hết năm 2020, xã Yên Đức đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo của xã đã thay đổi. 100% các tuyến đường đã được bê tông hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt 67,6 triệu đồng/năm; lao động có việc làm qua đào tạo đạt trên 85,5%…
Cầm trên tay tập thơ Núi Canh của xã Yên Đức xuất bản năm 1995, cùng trò chuyện với chúng tôi, ông Bùi Đình Nhật, 82 tuổi, cho biết: Từ năm 1964, Yên Đức quê tôi còn đói nghèo lắm, nhà thơ Trần Nhuận Minh khi ấy là thầy giáo trẻ từ Nam Sách (Hải Dương) về đây dạy học đã cảm nhận về vùng đất cổ, vùng đất cách mạng này, sáng tác bài thơ "Chào Yên Đức", bài thơ đã được in trong tập thơ Núi Canh. Chỉ cần đọc đến khổ thơ thứ hai đã hướng người đọc hiểu được Yên Đức là một làng quê thơ mộng và là vùng đất cổ với hào khí Đông A thời Trần, vùng đất cách mạng trong kháng chiến chống Pháp:
“Ta muốn hỏi bờ sông xưa xa khuất
Đây là nơi tướng sĩ Trần đuổi giặc?
Đâu đoạn đường phục kích đánh xe tăng?
Lớp lớp quân đi, vằng vặc ánh trăng…”
Trước lúc chia tay Yên Đức, mấy anh bạn trẻ ở thôn Yên Khánh mà tôi mới quen còn nhắn nhủ: Đầu năm tới, mời các anh về dự các hội làng thì các anh mới cảm nhận thấy hết đất và người Yên Đức; sự đoàn kết, lòng hướng thiện trong mỗi người dân trên hành trình xây dựng quê hương.
Xuân Quảng
Liên kết website
Ý kiến ()