Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 18:25 (GMT +7)
Tri ân - không chỉ một ngày...
Thứ 7, 27/07/2013 | 22:46:39 [GMT +7] A A
Mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, ở các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị v.v.. đâu đâu cũng sôi nổi các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”… Điều đó đã trở thành một nét đẹp văn hoá truyền thống của thời đại Hồ Chí Minh. Vào những ngày này, những hoạt động thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân đối với những người có công với cách mạng được đẩy lên cao hơn, sôi nổi hơn. Từ việc tổ chức thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình những người có công, các bà mẹ Việt Nam Anh hùng v.v.. đến việc tu bổ, sửa sang các phần mộ liệt sĩ tại các khu nghĩa trang v.v.. được các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể v.v.. quan tâm triển khai rầm rộ và rộng khắp. Tất cả những hoạt động này thực sự đã làm cho ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 có ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta một cách cụ thể hơn. Hay cũng có thể nói, với người dân Việt Nam, trải qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, ngày 27-7 chính là ngày “Lễ trọng” của dân tộc, ngày tri ân những người đã vì nước quên thân! Và vì thế, về một góc độ nào đó, việc triển khai các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 không chỉ có ý nghĩa về mặt xã hội, mà còn mang ý nghĩa văn hoá truyền thống...
Nhưng tri ân không phải chỉ trong một ngày, một dịp nào đó theo “kiểu phong trào”. Tri ân là công việc thường xuyên và phải mang tính cụ thể, thiết thực, hiệu quả bền vững. Việc UBTV Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 về sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh “Ưu đãi người có công với cách mạng” cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác này. Ở Quảng Ninh, vấn đề hỗ trợ, tạo điều kiện để các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công có cuộc sống ổn định, cả về mặt vật chất và tinh thần, một cách thiết thực, bền vững từ lâu nay cũng đã được Tỉnh uỷ, chính quyền và các cơ quan chức năng rất chú trọng. Từ việc đẩy mạnh xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đến việc huy động sức mạnh xã hội hoá từ cộng đồng v.v.. trong việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công v.v.. thực sự đã mang lại những hiệu quả to lớn, rất đáng ghi nhận. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là với thế hệ trẻ, về truyền thống cách mạng, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” v.v.. cũng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng”. Đây chính là những hoạt động thể hiện sự tri ân một cách thiết thực nhất, sâu sắc nhất.
Tuy nhiên, cho dù vậy, trên thực tế cũng còn không ít trường hợp “tri ân bằng lời nói” hơn là bằng những việc làm cụ thể; thậm chí lợi dụng tri ân vì những mục đích, động cơ cá nhân, cục bộ... Đây là những “hạt sạn” cần kiên quyết loại bỏ trong quá trình thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Sự tri ân, dù là lớn hay nhỏ, dù thể hiện dưới hình thức nào, bằng cách gì v.v.. thì trước hết nó đều phải xuất phát tự đáy lòng. Với những người đã hy sinh xương máu vì đất nước, điều này lại càng phải được chú ý; bởi nếu không, nó sẽ làm tổn thương sâu sắc đến chính những người mà ta muốn tri ân...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()