Do ung thư là bệnh tiến triển theo thời gian, chẩn đoán càng muộn, cơ hội chữa trị càng thấp, chương trình AI mới có tiềm năng cứu sống nhiều sinh mạng. Ung thư phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất với 1,8 triệu ca trên toàn cầu mỗi năm. Nhưng bệnh nhân ung thư phổi thường xuyên bị phát hiện ở giai đoạn cuối, khi các phương pháp điều trị ít có tác dụng nhất. Đó là lý do giới nghiên cứu kỳ vọng AI sẽ giúp chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh sớm hơn trong quá trình sàng lọc.
Ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể hé lộ đặc điểm khối u ở phổi và xét nghiệm sinh thiết hoặc phẫu thuật sau đó xác nhận đó có phải khối u ác tính hay không. Nhưng mỗi bản chụp đòi hỏi bác sĩ X-quang rà soát khoảng 300 bức ảnh để tìm dấu hiệu đặc trưng của khối u phổi rất nhỏ. Dù thử nghiệm sử dụng ảnh CT để tìm bệnh nhân ung thư phổi cho kết quả hứa hẹn, quá trình này khá chậm do bác sĩ phải ngồi xem xét từng bức ảnh để xác định bệnh nhân nào cần kiểm tra kỹ hơn.
Nghiên cứu mới sử dụng AI hỗ trợ chẩn đoán do Benoît Audelan ở đội dự án Epione tại Viện nghiên cứu công nghệ và khoa học kỹ thuật số quốc gia Pháp (Inrea) tại Đại học Côte d'Azur, công bố tại Hội nghị quốc tế của Hiệp hội Hô hấp châu Âu. Audelan cộng tác nghiên cứu với đồng nghiệp trong trường đại học và Therpixel, công ty phần mềm AI cùng Bệnh viện Đại học Nice.
Các nhà nghiên cứu phát triển chương trình AI dựa trên ảnh CT của 888 bệnh nhân có khối u phát triển đáng ngờ do bác sĩ X-quang sàng lọc. Sau đó, họ kiểm tra chương trình AI trên 1.179 bệnh nhân tham gia thử nghiệm sàng lọc ung thư phổi với thời gian theo dõi là 3 năm. 177 bệnh nhân trong nhóm này được chẩn đoán mắc ung thư phổi thông qua xét nghiệm sinh thiết sau lần chụp cắt lớp cuối cùng.
Kết quả là chương trình AI phát hiện khối u ác tính ở 172 trong số 177 bệnh nhân. Tỷ lệ chẩn đoán hiệu quả ca bệnh ung thư lên tới 97%. 5 trường hợp bị sót bao gồm khối u nằm gần giữa ngực, vị trí khó nhất để phân biệt giữa khối u và các cơ quan khỏe mạnh khác trong cơ thể.
Ý kiến ()