Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:24 (GMT +7)
Triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Thứ 3, 18/01/2022 | 19:07:52 [GMT +7] A A
Chiều ngày 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phòng họp trực tuyến các quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án). Đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể để thực hiện Đề án.
Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích, gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển KT-XH; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Đề án có vai trò quan trọng, được ban hành kịp thời, nhằm thống nhất nền tảng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và chiến lược của Chính phủ, ngay từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã đi trước đón đầu khai thác cơ hội số, chủ động nghiên cứu, xây dựng, triển khai rất sớm Đề án Chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh. Mô hình Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh đã trở thành khung tham chiếu cho cả nước, đóng góp nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn cho xây dựng Chính phủ điện tử.
Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai đề án nhờ sớm hoàn thành Dữ liệu dân cư và Căn cước công dân; xây dựng được các nền tảng cơ bản về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỉnh cơ bản hoàn thành xây dựng Đề án Chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là nền tảng cơ bản để chuyển đổi số, phát triển xã hội số, kinh tế số phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.
Cùng với cách làm bài bản, linh hoạt, sáng tạo với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, tỉnh Quảng Ninh đề nghị các bộ, ngành Trung ương rà soát các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo đúng, đủ, sạch, sống trước khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sớm khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến các cấp; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc chuyển đổi số toàn diện của địa phương; khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ số…
Qua nghe đại biểu thảo luận, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số khẳng định, việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Nhấn mạnh sự quan trọng cấp thiết của Đề án trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng yêu cầu Tổ Công tác triển khai Đề án và các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc quyết liệt các nhiệm vụ được giao; chủ động hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai; kịp thời tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vai trò nòng cốt là Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình, xác định rõ các nội dung đảm bảo thực hiện thành công Đề án. Các Bí thư cấp ủy phải quan tâm chỉ đạo quyết liệt để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại cơ sở, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận tham gia của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án; nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thông tin vắc-xin, xét nghiệm Covid-19, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm xác thực chính xác thông tin; đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục… Khẩn trương rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật có liên quan để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, tổng thể, liên thông, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Về nguồn lực triển khai thực hiện, Thủ tướng yêu cầu cần ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý, hiệu quả để triển khai thực hiện Đề án. Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ phát huy vai trò thường trực trong thực hiện Đề án. Về nguồn nhân lực, đồng chí Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đặc biệt nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()