Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:41 (GMT +7)
Triển khai hiệu quả hơn các gói hỗ trợ doanh nghiệp
Thứ 2, 22/05/2023 | 10:19:41 [GMT +7] A A
Trong kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 với 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch có đóng góp đáng kể từ hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Chương trình).
Báo cáo đánh giá bổ sung về kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và tình hình triển khai kế hoạch năm 2023 của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh đến những kết quả chủ yếu của Chương trình đã đạt được.
Đã giải ngân hơn 87,3 nghìn tỷ đồng
Đó là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025.
Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh...
Đáng lưu ý, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đã góp phần đẩy nhanh việc khởi công xây dựng 1.109km đường bộ cao tốc và hoàn thiện nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng khác của nền kinh tế.
Theo báo cáo của Chính phủ, khối lượng giải ngân của các gói hỗ trợ thuộc Chương trình đến nay đạt khoảng 87,3 nghìn tỷ đồng trong tổng nguồn lực lên đến 350 nghìn tỷ đồng.
Trong đó cho vay tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.957 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.347 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 57.068 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các gói hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm hạn chế hiệu quả của chính sách trong khi một số gói hỗ trợ đã hết thời gian thực hiện.
Đáng lưu ý, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đạt kết quả rất thấp, dự kiến đến hết năm 2023 chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng trong khi tổng nguồn vốn của gói hỗ trợ lên đến 40 nghìn tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến nay đã hết thời hạn thực hiện nhưng số tiền giải ngân thực tế chỉ đạt hơn 4.264 tỷ đồng, bằng 57,2% so với tổng nguồn lực dự kiến thực hiện.
Nguyên nhân được chỉ ra do việc triển khai chính sách, thẩm định hồ sơ, phê duyệt, giải ngân kinh phí cho người lao động thời gian đầu còn chậm.
Lực lượng cán bộ tiếp nhận và thẩm định hồ sơ còn thiếu, phải huy động từ nhiều lĩnh vực, chưa nắm vững chuyên môn, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đến hết quý I năm 2023 chỉ đạt 42,7% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị và dự kiến không sử dụng hết nguồn vốn của Chương trình.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ, giao kế hoạch vốn cho một số nhiệm vụ, dự án đầu tư công thuộc Chương trình còn chưa đạt kỳ vọng, có khả năng không giải ngân hết kế hoạch vốn.
Một số dự án không hoàn thiện thủ tục đầu tư đúng theo thời hạn Quốc hội yêu cầu, dẫn đến không được tiếp tục phân bổ nguồn vốn; các bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong việc hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án để chủ động giải ngân sớm nguồn vốn của Chương trình.
Đề xuất chuyển nguồn lực sang chính sách hiệu quả
Bước sang tháng đầu tiên của quý II năm 2023, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường tài chính được ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động.
Cùng với đó, sự sôi động trở lại của thị trường du lịch, dịch vụ đã tác động tích cực đến một số lĩnh vực của nền kinh tế.
Tuy nhiên, khó khăn thách thức vẫn là chủ đạo, khiến áp lực điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục gia tăng.
TS Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị Chính phủ cần sớm có kịch bản riêng để tình hình không trở nên xấu đi, bên cạnh việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đầu tư công, tạo công ăn việc làm, bơm vốn trong nền kinh tế.
“Nội tại nền kinh tế đang đối mặt với những bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực, như chậm giải ngân đầu tư công, vướng mắc pháp lý và sự suy yếu của thị trường bất động sản, áp lực điều chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp...Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương tham gia xây dựng gói giải pháp chung tổng thể nhằm tăng cường tính liên kết giữa các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Đặc biệt là có các giải pháp gia tăng hiệu quả thực thi các gói hỗ trợ phục hồi sản xuất của doanh nghiệp”, TS Võ Trí Thành nói.
Theo TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), phối hợp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội để giảm ách tắc dòng tiền, tăng thanh khoản cho hệ thống, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển là giải pháp cần ưu tiên thực hiện trong thời điểm hiện nay.
Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, tập trung đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Đồng thời sớm ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí cùng với định hướng, giải pháp phối hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ và ổn định tài chính trong bối cảnh rủi ro tài chính quốc tế gia tăng.
“Quy mô vốn đầu tư công năm 2023 được bố trí hơn 700.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022, là mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu phấn đấu giải ngân hết 95% vốn đầu tư công như mục tiêu Chính phủ đề ra sẽ đóng góp khoảng 2 điểm phần trăm cho tăng trưởng cả năm”, TS Cấn Văn Lực nhận định.
Đối với các gói hỗ trợ triển khai kém hiệu quả hoặc đã hết thời gian thực hiện nhưng chưa “tiêu” hết tiền, các chuyên gia đề xuất Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển nguồn lực cho các chính sách khác có khả năng triển khai và còn dư địa thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()