Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 08:26 (GMT +7)
Triển khai nhiệm vụ năm 2023: Kỳ vọng nhiều thành công
Thứ 7, 31/12/2022 | 13:31:21 [GMT +7] A A
Khép lại năm 2022, một năm được đánh dấu với nhiều thành công của Quảng Ninh trên nhiều mặt công tác. Kinh tế ổn định và phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên…
Nhìn lại chặng đường thực hiện nhiệm vụ năm 2022, Quảng Ninh đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại với số ca mắc mới tăng nhanh. Càng khó khăn thêm khi cuộc xung đột Nga - Ucraina kéo dài; nhiều dịch bệnh mới bùng phát trên thế giới để lại những hệ lụy đối với thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh...
Kế thừa kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các cấp uỷ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt lãnh đạo, điều hành triển khai có hiệu quả Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đặc biệt, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng, triển khai chương trình phục hồi và phát triển KT-XH với những giải pháp cụ thể, nhằm phát huy tối đa vai trò trụ cột của ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.
Tỉnh cũng có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ngành than phát triển ổn định và tăng sản lượng tối đa, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, bảo đảm không để thiếu than cho sản xuất điện, không để thiếu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, cũng như đảm bảo đời sống cho người dân.
Song song với đó, các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đã được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Diện mạo các vùng miền có sự thay đổi đáng kể; chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đat nhiều kết quả khả quan.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng “bức tranh” KT-XH của tỉnh năm 2022 vẫn có nhiều điểm sáng. Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022). Nổi bật, GRDP đạt 10,28%; tổng thu NSNN đạt 56.500 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2021) trong đó thu nội địa đạt 42.000 tỷ đồng; tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 đạt khoảng 11,6 triệu lượt (gấp 2,6 lần năm 2021), tổng doanh thu du lịch đạt trên 25.000 tỷ đồng (gấp 3,2 lần năm 2021)... Đây là nền tảng, động lực quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Năm 2023 là năm có tính bản lề và ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025); kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023)… Tỉnh xác định, giai đoạn này có nhiều thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu…
Nghị quyết nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 của HĐND tỉnh đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, GRDP đạt trên 10%; tổng thu NSNN đạt trên 54.000 tỷ đồng; phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo, xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh...
Bám sát yêu cầu nhiệm vụ mới và chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh bắt tay thực hiện nhiệm vụ, trong đó tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo. Để chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các loại bệnh dịch khác, các địa phương, đơn vị tăng cường quản lý dược phẩm, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh mới.
Thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao tính bền vững của nền kinh tế, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành than. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công, trong đó chú trọng điều hành chi ngân sách theo dự toán đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm...
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tỉnh kiên trì phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, khích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, nhất là thông qua hình thức đối tác công - tư để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược... Đồng thời, chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng KHCN, thúc đẩy chuyển đổi số; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến độ và công bằng xã hội...
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()