Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:45 (GMT +7)
Triển vọng từ cây na dứa Đài Loan
Thứ 4, 24/01/2024 | 16:05:41 [GMT +7] A A
Sau 3 năm chủ trì triển khai nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT) đã thành công trong việc nhân giống bằng phương pháp ghép, trồng, chăm sóc và điều chỉnh cho quả trái vụ na QN-D1 (na dứa Đài Loan ghép trên gốc na dai). Việc nhân giống và trồng thành công giống na mới này sẽ góp phần hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khắc phục những hạn chế của giống na địa phương.
Với diện tích trên 1.220ha, cây na là một trong 3 loại cây ăn quả chủ lực, chiếm diện tích lớn nhất của tỉnh và đưa Quảng Ninh trở thành một trong 5 tỉnh sản xuất trọng điểm na trong cả nước. Mặc dù có nhiều lợi thế với loại cây trồng này nhưng hiện nay, các vùng trồng na lớn nhất của tỉnh là TX Đông Triều và TX Quảng Yên chủ yếu trồng các giống na địa phương, quả nhỏ, nhiều hạt, chín tập trung, khó bảo quản, vận chuyển…
Ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ: Năm 2015 khi được UBND tỉnh cho đi học tập tại Đài Loan (Trung Quốc), được tiếp cận với giống na dứa Đài Loan, chúng tôi nhận thấy đây là giống có nhiều ưu điểm nổi trội. Nhằm từng bước khắc phục những hạn chế của giống na địa phương, tháng 2/2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã quyết định thực hiện nhiệm vụ khoa học “Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của giống na QN-D1" (na dứa Đài Loan ghép trên gốc na dai tại Quảng Ninh). Nhiệm vụ này không sử dụng ngân sách nhà nước mà đơn vị tự bỏ kinh phí đầu tư để thực hiện.
Sau 3 năm trồng thử nghiệm, nhận thấy giống Na QN-D1 có nhiều đặc tính khác biệt với giống na dai như: Khả năng sinh trưởng vượt trội, đặc biệt trong vụ đông cây vẫn duy trì khả năng sinh trưởng tốt; thời gian thu hoạch trùng với Tết Nguyên đán; giá trị kinh tế cao. Do đó, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc giống na QN-D1” với diện tích 1ha tại thôn Đá Trắng (xã Tiền An, TX Quảng Yên). Kết quả cho thấy, cây ghép cải tạo sinh trưởng, phát triển tốt, cành ghép phát triển khỏe, lá to, ít sâu bệnh, chiều dài cành sau ghép 8 tháng đạt 1,2-2m, đường kính đạt 3-4cm. Năm thứ tư sau trồng đạt 8-10 tấn/ha, từ năm thứ năm trở đi đạt trên 12 tấn/ha, chất lượng quả tốt, trọng lượng quả trung bình đạt 500 gram/quả, thịt quả chắc nên có khả năng bảo quản và chịu được vận chuyển xa, quả ít hạt và có mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt, na QN-D1 có khả năng sinh trưởng và phát triển trong điều kiện nhiệt độ thấp nên có thể rải vụ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán, nên giá trị kinh tế cao.
Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc na QN-D1 và triển khai các thí nghiệm nghiên cứu kỹ thuật ghép cải tạo trên gốc na địa phương. Đồng thời cũng đã thành công trong nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tạo quả trái vụ cũng như xây dựng mô hình trồng tại 3 địa phương Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long với quy mô 0,5ha/địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện nay, các vùng sản xuất na nói chung và các hộ sản xuất na trên địa bàn tỉnh nói riêng đang để cây na ra hoa và kết quả tự nhiên theo nhu cầu sinh lý của cây. Việc để cây na tuân theo nhu cầu sinh lý như vậy dẫn đến việc quả chín tập trung, dồn dập, khi việc tiêu thụ không kịp quả sẽ bị hỏng và gây tổn thất về kinh tế. Sản phẩm của mô hình là đưa ra được kỹ thuật nhân giống na QN-D1 và kỹ thuật tạo quả trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao được nông dân, tổ hợp tác, doanh nghiệp và các tổ chức khác, thị trường tại các địa phương quy hoạch trồng na trong tỉnh chấp nhận, áp dụng trong sản xuất. Kết quả của đề tài sẽ giúp giải quyết được vấn đề rải vụ thu hoạch cho cây na, giảm áp lực về thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Do vậy, loại giống na mới này có khả năng áp dụng ngay trong sản xuất thực tiễn tại các diện tích trồng na đang trong thời kỳ kinh doanh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định, nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc na QN-D1” được hoàn thành mở ra cơ hội để cải tạo vườn na địa phương đã già cỗi và chuyển giao kỹ thuật cho các nhà vườn áp dụng nhằm tăng giá trị kinh doanh. Nhất là TX Đông Triều, nơi được đánh giá là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để trồng cây na nhưng phần lớn diện tích na đang bị già cỗi khi có đến 36% diện tích từ 11-15 năm tuổi, 31% diện tích có độ tuổi trên 16 năm trở lên. Do đó, TX Đông Triều cần đẩy mạnh việc phục tráng giống, thay thế khi bị suy thoái bằng các giống na có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, có khả năng rải vụ cao, chịu lạnh tốt như giống na QN-D1.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()