Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:17 (GMT +7)
Gương thanh niên lập thân, lập nghiệp
Thứ 5, 19/01/2023 | 08:00:11 [GMT +7] A A
Phong trào khởi nghiệp đã giúp cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số trở thành triệu phú với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Triệu A Nhì (SN 1997, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc) là một trong những tấm gương để nhiều thanh niên khác vươn lên phát triển kinh tế.
Đưa chúng tôi tham quan mô hình nuôi gà và dê sinh sản của gia đình, anh Triệu A Nhì (SN 1997, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc) chia sẻ, bố mẹ anh đều là nông dân nhưng không hẳn làm thuần nông. Trước đây, gia đình làm nghề rừng, trồng quế, trồng keo giống, trồng trà hoa vàng bán ra nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Anh từng có thời gian đi làm ăn xa, lăn lộn nhiều nghề, như lái xe, buôn bán bất động sản, đầu bếp... Nghề nuôi gà sinh sản đến với anh tình cờ. Trong một lần đi tìm nguyên liệu cho bếp ăn, anh gặp một trang trại nuôi gà rộng và có nhiều tiềm năng, từ đó anh nung nấu quyết tâm theo nghề chăn nuôi. Đầu năm 2022, bỏ công việc đầu bếp ở thành phố, anh trở về quê hương, xây dựng trang trại nuôi gà diện tích gần 2.000m2.
Anh Nhì nghiên cứu các tài liệu về kỹ thuật nuôi gà, học hỏi kinh nghiệm qua các chuyến đi đến các trang trại chăn nuôi lớn, áp dụng vào đàn gà nhà mình. Từ một trang trại quy mô nhỏ, đến nay gia đình anh nuôi hơn 1.200 con gà thương phẩm, mỗi năm anh xuất chuồng 3 lứa, thu nhập gần 400 triệu đồng. Anh còn kết hợp nuôi dê và trồng gần 3 ha các loại cây giống keo, quế, trà hoa vàng, sâm cau... mang lại nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình chăn nuôi gà, dê kết hợp trồng cây giống của anh Nhì được nhiều thanh niên và người dân ở các địa phương khác đến học hỏi kinh nghiệm. Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, anh Nhì cho biết: “Trong mỗi mô hình phát triển kinh tế đều phải có sự tâm huyết và học hỏi. Tôi thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, phổ biến kiến thức đến các hộ xung quanh. Có được thành công như hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của các thành viên trong gia đình, còn là nhờ vào chủ trương, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế của các cấp bộ đoàn, địa phương quan tâm, tạo điều kiện giao đất, giao rừng, tư vấn, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi”.
Anh Nhì tâm niệm, người Dao ở Ba Chẽ giờ đã khác xưa, muốn tự mình làm chủ cuộc sống chứ không muốn phụ thuộc vào thiên nhiên, vào sự hỗ trợ của chính quyền nữa. Mảnh đất Ba Chẽ luôn có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi, trồng nhiều cây giống, nhưng cái khó nhất vẫn là vốn và kinh nghiệm. Giờ vốn đã có Ngân hàng CSXH, quỹ của các tổ chức xã hội, kinh nghiệm thì làm rồi sẽ có, cái quan trọng nhất là phải học, phải mạnh dạn, chấp nhận cả thất bại thì mới mong có thành công.
Phó Bí thư Huyện Đoàn Tô Hồng Lai cho biết: Với nỗ lực vươn lên lập thân, lập nghiệp, tìm tòi hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Triệu A Nhì đã trở thành gương sáng để bà con trong bản cùng học, cùng làm. Từ mô hình của anh Nhì, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện đã được chia sẻ kinh nghiệm để phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Chu Linh
Liên kết website
Ý kiến ()