Tất cả chuyên mục

Bạn đọc Phạm Thị Trang, phố Hoàng Hoa Thám, thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) hỏi: “Bố tôi gần đây khó nuốt nước bọt; giọng nói khàn đi... Một người quen của gia đình có nói là triệu chứng của ung thư vòm họng. Qua Báo Quảng Ninh, nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi về triệu chứng cũng như cách điều trị căn bệnh này”. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã trao đổi cùng bác sĩ Hoàng Đình Thành, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tư vấn giúp bạn.
![]() |
Nội soi là phương pháp đầu tiên thực hiện để phát hiện ung thư vòm họng. Trong ảnh: Nội soi mũi - họng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Móng Cái. |
- Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân nào gây bệnh ung thư vòm họng?
+ Ung thư vòm họng xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển từ các mô trong vòm hầu, khu vực phía sau khoang mũi và phần trên của họng. Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, các nhà khoa học chỉ ra nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng, trong đó có việc nhiễm virút Epstein Barr (EBV) bởi gen của virút EBV được tìm thấy trong bệnh phẩm sinh thiết từ khối u vòm họng. Người làm việc trong điều kiện thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường kém thông khí, môi trường có hoá chất; đặc biệt là các hydrocacbon thơm cũng có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao. Bên cạnh đó còn có các yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng, như: Ăn quá nhiều cá muối, ăn nhiều thực phẩm bảo quản hoặc lên men, hút thuốc lá, uống rượu... Ngoài ra, còn có yếu tố mang tính di truyền trong gia đình.
- Làm sao để phát hiện bệnh ung thư vòm họng sớm, thưa bác sĩ?
+ Những triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư vòm họng ở giai đoạn sớm thường là: Khi nuốt nước bọt, khi ăn cảm thấy khó nuốt, bị vướng ở họng; bề mặt thanh quản thô ráp; thay đổi trong giọng nói; ho kéo dài; chảy máu cam hoặc tắc nghẽn mũi; đờm có máu; đau đầu... Tuy nhiên, những biểu hiện này có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh nên người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và chính xác bệnh.
Bệnh ung thư vòm họng giai đoạn nặng hơn sẽ có những triệu chứng: Các hạch xuất hiện ở dưới cổ, cứng và không gây đau; (có thể hạch xuất hiện ngay từ đầu ở vùng góc hàm) sụp mi, nhìn đôi (nhìn một hoá hai, tê mặt do ảnh hưởng của thần kinh sọ não); sụt cân, mệt mỏi, đau xương, bị xâm nhiễm… Ung thư vòm họng thường di căn đến các vị trí xa, như: Xương, phổi và gan.
Khi nghi ngờ bị ung thư vòm họng, bác sĩ sử dụng nội soi vòm họng bằng cách đưa ống soi mềm và nhỏ qua lỗ mũi vào vùng phía sau của hốc mũi. Làm sinh thiết khối u ở vòm họng. Nếu phát hiện có hạch ở cổ, bác sĩ có thể chỉ định chọc hút hạch bằng kim nhỏ để tìm tế bào ác tính giúp định hướng tìm u nguyên phát trong những trường hợp thể hạch, u ẩn.
- Vậy việc điều trị ung thư vòm họng có khả quan không, thưa bác sĩ?
+ Việc tiên lượng bệnh và chọn lựa phương pháp điều trị sẽ dựa vào giai đoạn của bệnh. Nếu bệnh ung thư vòm họng được phát hiện sớm vẫn có thể được chữa khỏi. Hiện nay, việc điều trị căn bệnh này được tiến hành theo các phương pháp sau:
Xạ trị: Là phương pháp chủ yếu do đặc điểm giải phẫu của vòm họng và đặc điểm nhạy cảm của tế bào ung thư vòm với tia xạ. Tức là sử dụng các tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị chỉ tác động đến các tế bào trong khu vực được điều trị. Do đó, việc xạ trị thực hiện như thế nào sẽ được bác sĩ xem xét, cân nhắc dựa vào các giai đoạn khác nhau của bệnh.
Hoá trị: Được áp dụng đối với các bệnh nhân ung thư vòm họng ở giai đoạn muộn (khối u xâm lấn đáy hộp sọ hoặc kiểm tra thấy có sự xâm nhiễm dây thần kinh sọ) hay ở giai đoạn hạch muộn (các hạch lớn, xuất hiện các hạch cổ hai bên hoặc các hạch lan rộng đến nền cổ) nhằm giảm nhẹ triệu chứng và tình trạng bệnh. Hoá trị vẫn là phương pháp điều trị chính cho các bệnh nhân bị ung thư di căn, và cho những bệnh nhân bị ung thư tái phát sau xạ trị. Hoá, xạ trị đồng thời ngày nay được áp dụng phổ biến vì làm tăng nhạy cảm của tế bào ung thư với tia và hạn chế tái phát tại chỗ, hạn chế di căn xa sau điều trị.
Phẫu thuật: Rất ít được sử dụng trong ung thư vòm họng vì vòm nằm sâu, phẫu thuật khó khăn.
Phẫu thuật đáy sọ với phương tiện và kỹ thuật hiện đại, cùng với các chuyên gia phẫu thuật giỏi có thể tiến hành lấy u vòm tái phát hoặc u nguyên phát nhỏ loại kháng tia (vẩy sừng hoá).
Để phòng bệnh ung thư vòm họng, các chuyên gia y học khuyên: Có chế độ ăn uống hợp lý (đa dạng các loại thức ăn; ăn nhiều rau xanh, hoa quả là các thức ăn chứa nhiều khoáng chất và vitamin). Không nên ăn các loại như dưa muối, cà muối... Không uống đồ lúc còn quá nóng. Không nên ăn đồ nướng (thực phẩm khi được nướng lên sẽ sinh ra các chất có khả năng gây nên các bệnh ung thư). Không dùng chất kích thích. Nên rèn luyện thể dục thể thao; điều trị sớm các bệnh tai, mũi, họng; kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Thu Nguyệt (thực hiện)
Ý kiến ()