Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:43 (GMT +7)
Người đi đầu chuyển đổi trồng rừng ở Đồn Đạc
Thứ 7, 26/02/2022 | 15:09:09 [GMT +7] A A
Để thực hiện mục tiêu đưa Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh trong những năm tới, rất cần sự vào cuộc tích cực của người dân. Anh Triệu Quay Phúc là một trong những người đi đầu của xã Đồn Đạc, hưởng ứng mục tiêu này.
Anh Triệu Quay Phúc sinh sống ở thôn Tầu Tiên (xã Đồn Đạc) - đây một thời từng là thôn nghèo nhất của huyện Ba Chẽ. Nguồn sống của người dân Tầu Tiên phụ thuộc nhiều vào những cánh rừng và những đồi cỏ dại trồng keo, chăn thả trâu, bò. Bà con ngày nay đã chăm chỉ làm ăn phát triển cuộc sống, nhưng một thời làm nhiều mà thu hoạch không cao, do không biết cách làm.
Là người ham học hỏi, anh Triệu Quay Phúc tìm hiểu qua sách báo, trên mạng, thấy nhiều nơi, nhiều người có thể làm giàu từ phát triển kinh tế rừng. Trong khi đó, bà con trong xã chỉ quen trồng cây keo, 6 năm đã thu hoạch bán cho các doanh nghiệp làm dăm gỗ, với giá rẻ, nhiều khi trừ tiền giống, phân bón, công chăm sóc, công khai thác là gần hết.
Anh Phúc nhận thấy giá trị của cây quế cao hơn hẳn so với cây keo, nhưng do thời gian trồng hơn 10 năm mới cho khai thác, nên bà con không mặn mà lắm, bởi đa phần người dân muốn đồng vốn được thu hồi nhanh để chi trả nhiều khoản, nhất là tiền nợ ngân hàng.
Để bà con thấy cái hay, cái lợi của trồng quế, anh Phúc phải mất nhiều thời gian tuyên truyền, rằng trồng quế hơn 10 năm, nhưng bà con chỉ phải đầu tư cây giống, công trồng, công thu hoạch 1 lần, sau 5 năm trồng cây cứng, khỏe chẳng phải lo gì gió bão. Cây quế to, lại có khả năng giữ nước, chống xói mòn tốt, rất thích hợp với huyện vùng cao như Ba Chẽ thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt, sạt lở đất. Trong thời gian chờ thu hoạch, trên diện tích trồng quế, bà con có thể trồng xen cây dược liệu như ba kích tím.
Lợi thì đã thấy, nhưng thu lợi ra sao, bởi bà con xã Đồn Đạc đa phần là người dân tộc thiểu số, không phải ai cũng có mối quan hệ rộng, ai cũng giỏi tính toán buôn bán, làm ra sản phẩm rồi bán như thế nào?
Năm 2020, anh Phúc cùng một số người đứng ra thành lập HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ, gồm 11 thành viên do anh làm Giám đốc. HTX đã liên kết, bao tiêu sản phẩm cho 90 hộ dân trong xã với gần 180ha quế, nhiều khu rừng đã đến kỳ thu hoạch do bà con trồng từ trước đó. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã thu mua cho bà con 400 tấn vỏ quế. Anh Phúc cùng các thành viên trong HTX lại ươm luôn giống quế bán luôn cho bà con, giúp tiết kiệm chi phí xe cộ, công sức so với trước đây phải ra tận huyện Tiên Yên mua quế giống.
Ông Chíu Sồi Thoòng, hộ dân liên kết với HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ, cho biết: Từ khi liên kết làm ăn với HTX của anh Phúc, chúng tôi thấy vững tâm hơn. Trước đây, với rừng keo từ 5-6 năm đã khai thác, người dân chỉ thu được món tiền nhỏ khoảng 70 triệu đồng/ha, những vụ trồng sau cũng không có thu nhập cao. Cây quế rất dễ trồng, lớn nhanh, chịu được gió bão hơn cây keo, giá trị kinh tế lớn hơn gấp hơn 2 lần keo trong cùng thời gian, giúp cho đời sống người dân ngày được cải thiện hơn.
Từ sự liên kết của HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ, người dân xã Đồn Đạc đã thêm vững tâm hơn với trồng rừng làm giàu trên chính quê hương mình. Dự kiến năm 2022, bà con sẽ chuyển đổi 400ha rừng keo sang trồng quế và HTX của anh Phúc cũng trồng mới được 4ha cây giống cung cấp cho người dân địa phương.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()