Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:26 (GMT +7)
Trở lại với Đồng Rui…
Chủ nhật, 20/12/2020 | 13:13:58 [GMT +7] A A
Cách nay vừa tròn mười năm (2009 - 2019) tôi ra xã đảo Đồng Rui lấy tư liệu viết bài phóng sự "Nắng gió rừng ngập mặn". Lúc ấy Đồng Rui vừa trải qua sự kiện làm đảo lộn cả môi sinh, cuộc sống của một vùng đất vốn được thiên nhiên ưu ái ban cho hệ sinh thái đa dạng về sinh học, được xem là phong phú đứng đầu của đất rừng ngập mặn miền Bắc.
Xã Đồng Rui thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế phủ xanh các bãi triều rừng ngập mặn. Ảnh: Lê Nam. |
Với diện tích tự nhiên hơn 4.974ha thì rừng ngập mặn đã chiếm 2.844 héc ta, bằng 57% diện tích của Đồng Rui. Về mặt địa lý, có thể Đồng Rui được hình thành nên bởi sự bồi đắp từ hai dòng sông Ba Chẽ và Mông Dương tải phù sa chắt lọc từ vùng núi cao trùng điệp phía Tây mà nên hay do kinh qua những trận biến thiên mà Đồng Rui bị tách, bị đẩy ra khỏi bờ? Giờ chỉ thấy Đồng Rui là một miền đất sa bồi rất màu mỡ, có độ dàn trải, độ phì nhiêu lý tưởng đã tạo nên những khu rừng ngập mặn đặc trưng với các loài cây: Sú, đước, trang, bần, vẹt, mắm, giả… là những loài cây chịu mặn, chịu nước. Chúng có thể sống, có thể ngâm trong nước triều cường khi thủy triều dâng. Để sinh tồn, chúng có khả năng sinh sản vô tính và hữu tính. Có loài vươn rễ ra ngoài tầm tán lá rồi nảy chồi tự tách ra phát sinh thành cây thế hệ mới. Song, cũng có loài ra hoa, kết quả. Quả đều mang hình kim. Khi quả già đủ độ, chúng tự tách ra khỏi đài mà cắm sâu vào đất nảy mầm phát sinh thành cây non. Cứ vậy, chúng lấn mãi ra sinh sôi bất tận.
Nhờ sự màu mỡ từ hai nguồn cung cấp của dòng sông Mông Dương và Ba Chẽ mà rừng ngập mặn ở đây quanh năm xanh tốt. Cây già bao bọc cây non phân mầm, đẻ nhánh tạo môi sinh thuận lợi làm nên sự tương tác luân chuyển tuần hoàn cho sự sống của nhiều loài động vật nương sống nhờ rừng. Thì đây, xin được điểm lại để xem:
Rừng ngập mặn làm cái nôi, khi con tôm, con cá bột được sinh ra, chúng nương dưới bóng rừng qua tuổi ấu trùng để trưởng thành mà ra với biển cả. Rừng cũng làm nơi dung chứa những loài chim di trú từ phương Bắc bay về tránh đông như két, ngỗng trời, chim xanh và là nơi sinh tồn của các loài chim bản địa như cò, diệc, bồ nông, vạc… Trong tán rừng còn có các loài động vật: Ong, kỳ đà, rái cá, chồn, cáo… nhưng những nguồn lợi hải sản do tán rừng ngập mặn đem lại mới là đáng kể.
Rừng làm giá thể, là nơi che chở cho các loài nhuyễn thể sinh tồn: ốc, ngao, vạng, hầu, hà, sò huyết. Đặc biệt hơn cả là rừng ngập mặn ở đây có hai loài đặc sản là ngán và cua. Ngán là loài nhuyễn thể chỉ sống trong bùn mặn. Chúng chứa những dưỡng chất để bồi bổ cho người ốm, người già, người bệnh, trẻ nhỏ. Nó có thực đơn trong những tiệc tùng sang trọng. Loài hải sản quý hiếm này, dọc bờ biển miền Bắc chỉ riêng vùng Quảng Ninh mới có.
Còn cua. Loài giáp xác quý này thì trong bản đồ phân bố hải sản Việt Nam, Đồng Rui là một điểm đặc trưng ghi dấu.
Ngoài họ hàng nhà giáp xác, nhuyễn thể, Đồng Rui còn có các loài hải sản lưỡng cư sinh sống như cá nác, cá thòi lòi. Trong hang hốc do gốc rễ cây rừng ngập mặn tạo ra là nơi trú ngụ của các loài cá nhệch, cá bớp, cá bống trắng, bống đen...
Nói đến sự đa dạng, giàu có của rừng ngập mặn nơi đây là nói đến sự ưu ái của thiên nhiên với cuộc sống con người nơi đây. Họ đang được thừa hưởng những đặc ân mà thiên nhiên ban tặng.
Nhưng rồi chính con người đã tự tước đi cái quyền năng mà mình được thiên nhiên ưu ái. Đó là những chủ trương sai lầm, bất cập đẩy Đồng Rui đến "một sự đã rồi".
Đấy là vào thập niên chín mươi của thế kỷ trước. Sau nhiều năm "đóng băng", cửa khẩu biên giới phía Bắc được mở bung ra. Cùng với cái được là kèm thêm cái mất. Cùng với trào lưu vơ vét hải sản buôn bán vô tội vạ sang Trung Quốc, còn một phương thức làm ăn hoàn toàn mới lạ ùa đến với Đồng Rui là khoanh vùng nuôi trồng hải sản.
Nói về chuyện này lại phải có đôi dòng diễn giải về lịch sử hình thành cư dân đảo Đồng Rui của huyện Tiên Yên thế này: Ba bốn trăm năm trước, bên Trung Quốc, nhà Minh một triều đại hùng mạnh đương làm bá chủ Trung Nguyên bỗng dưng đổ sụp, bị khuất phục bởi nhà Thanh - một bộ tộc được xem là "tiểu nhược" đã thay thế nắm quyền cai trị đất nước Trung Hoa rộng lớn.
Bị thất sủng, nhưng bất phục, đám quan quân cận thần từng phụng sự nhà Minh bỏ quê hương bản quán, chạy túa xuống phương Nam xin tị nạn. Mạnh ai nấy chạy. Phần lớn trong số ấy dạt sang Đại Việt ta xin ăn nhờ ở đậu. Được Đại Việt cưu mang, "đất thơm cò đậu lại", họ kéo thêm họ hàng, thân thích sang thêm rồi thành “ăn đời ở kiếp”, khai phá những miền đất hoang mà vùng Đông Bắc Đại Việt còn thưa dân, bỏ đó. Từ đó hình thành nên một hệ thống cư dân người Hoa đông đúc ở miền đất này. Và Đồng Rui, một hòn đảo đất bằng phẳng, đất đai phì nhiêu như một bình nguyên mọc toàn một thứ tre róc, tre rui để dựng nhà mới có lác đác cư dân thuần Việt sinh sống đã được cộng đồng người Hoa khai phá triệt để thành ruộng vườn, dân cư trù phú.
Rồi sự kiện biên giới năm 1979. Hưởng ứng theo lời kêu gọi hồi hương của cố quốc, người Hoa đã bỏ Đồng Rui để quay về với đất nước ông cha của họ.
Lúc ấy, nhà nước Việt Nam đã phải huy động một lực lượng cư dân ở vùng Tiên Lãng, Hải Phòng rồi Hải Lạng, Tiên Yên đến Đồng Rui lập nghiệp để ổn định an ninh, kinh tế, chính trị vùng biên ải.
Những cư dân của miền quê thuần nông Tiên Lãng ra Đồng Rui lập quê hương mới. Họ vốn là những nông dân cấy lúa vùng chiêm trũng. Ra Đồng Rui không biết nghề biển, chỉ chăm chú với việc làm nông. Đất đai màu mỡ, nguồn nước phong phú dồi dào, năm hai vụ lúa đủ cho cuộc sống để an cư. Vậy nên Đồng Rui, một xã đảo mà lại chỉ mang đặc trưng của một vùng dân cư thuần nông.
Tuy không biết làm giàu lên từ biển, nhưng nhờ có một vùng sinh thái với những tiềm năng sản vật như vậy nên đã tạo cho cuộc sống của bà con trên miền quê mới thêm hào hứng, ổn định, tự hào, tin yêu. Với những sản vật như trên vừa kể, Đồng Rui được ví là miền đất "trên cơm, dưới cá". Nó vừa đúng cả nghĩa bóng lại rất thực. Sau lúc nông nhàn, người dân nơi đây chỉ cần xách xô, xách giỏ đi vài mươi bước chân đã lội ngay xuống bãi dàn quanh đảo săm soi một lúc đã có một mớ hải sản cho bữa ăn thường ngày. Đêm xuống. Nhằm khi tối trời, phơi bãi, trai tráng rủ nhau, đầu khoách ngọn đèn lò, chân mang ủng, tay mang găng, vai khoác giỏ. Họ đi soi cua. Gặp may, chỉ vài ba tiếng trong rừng ngập mặn là có được vài ba cân cua - theo lời kể của ông Trịnh Xuân Thật.
Giờ lại xin quay về với chuyện cái dự án bất cập thời thập niên chín mươi bất ưng ụp xuống Đồng Rui. Chẳng biết chủ trương từ đâu mà có tới cả trăm ông chủ từ khắp mọi miền đất nước được cấp phép đến Đồng Rui quai bờ bao, khoanh đầm nuôi hải sản. Chủ yếu là nuôi cua, nuôi tôm. Lúc ấy, chính quyền và nhân dân xã đảo Đồng Rui tuy đang là chủ nhân quản lý, sở hữu vùng đất ngập mặn này bỗng thành chủ hờ chỉ biết thực thi một cách thụ động cho cái dự án mọc lên băm vằm phá rụi hàng ngàn héc ta rừng ngập mặn đang là vành đai xanh che chắn cho mình, nuôi sống mình.
Và rồi đã phải trả giá. Sự phá sản tất yếu của một dự án ấu trĩ, tư lợi, nhất thời, trào lưu là đã đành một nhẽ. Nhưng mất rừng ngập mặn, tai họa đầu tiên thì người Đồng Rui gánh trọn. Mất rừng chắn sóng đã tạo đà cho cơn bão năm ấy (năm 2008) tác oai tác quái. Biển đưa sóng vào dâng cao tới ba, bốn mét phá vỡ một loạt đê bao làm 50ha lúa của Đồng Rui bị ngập trong nước mặn. Hệ lụy không chỉ mất một vụ lúa mùa mà đồng ruộng bị nhiễm mặn phải thau rửa hai năm sau mới cấy trồng lại được.
* *
*
Trên đây là câu chuyện của hơn mười năm trước chứ hôm nay tôi về lại Đồng Rui thì đã khác. Nhìn ra những cánh rừng ngập mặn, dẫu chưa kịp hoàn nguyên. Vẫn còn đó tàn dư của cái dự án bất cập một thời là những vuông đầm nuôi cua, nuôi tôm không khả thi chưa thể thu hồi - những sản phẩm một thời với quyền năng của tiền, của quyền, làm "đó rách ngáng chỗ" vẫn còn đó với bờ bao lở lói, những chiếc cống xả nằm trơ toang hoác như miệng những con quái vậ (nó vẫn là sở hữu ma của những ông chủ vô hình)… Dẫu vậy, đất phần lớn đã được phủ lại màu xanh tuy còn lỗ chỗ mảng thấp, mảng cao nhưng Đồng Rui đã khoác lại cho mình một màu xanh cố hữu.
Anh Nguyễn Quốc Trưởng tiếp tôi ythân tình như người thân sau nhiều năm gặp lại. Người Phó Bí thư Đảng bộ xã đã giữ những vai trò trọng trách với Đồng Rui từ những năm còn trai trẻ, nay đã ở độ tuổi 50, nhưng ánh mắt nhiệt tình và nụ cười cởi mở vẫn tươi rói, tinh anh. Anh khoe ngay với tôi vừa được địa phương cử vào huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh dự cuộc hội thảo quốc tế về vai trò của rừng ngập mặn với sinh quyển trái đất.
Khi tôi nhắc lại về những việc mà Đảng bộ và nhân dân xã Đồng Rui đã làm trong những chiến dịch phủ lại màu xanh cho đất ngập mặn của địa phương, anh Trưởng cho biết: Sau năm 1998, cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng với người dân đã nhận thức ra một điều cực kì quan trọng: Rừng ngập mặn là nguồn mưu sinh, là cuộc sống mất còn của Đồng Rui nên không còn cách nào khác là phải khôi phục lại hết thảy diện tích rừng đã mất. Tức là phải cứu lấy rừng… Chủ trương của Đảng, của chính quyền đặt ra được nhân dân xã đảo đồng thuận, lại gặp lúc được sự quan tâm giúp đỡ tài trợ của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ. Đặc biệt là Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Môi trường, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Và chương trình FGP - PTE (của EC, UNDP) đã phối hợp cử nhiều đoàn chuyên gia, cán bộ cùng các nhà khoa học đã quan tâm dành nhiều thời gian nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cùng với địa phương tuyên truyền cho nhân dân, tổ chức tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ xã đến thôn xóm, nên đã quản lý tốt được các diện tích rừng còn lại. Và trồng mới, trồng dặm trên diện tích đất trống do những đầm nuôi hải sản không hiệu quả bỏ hoang được thu hồi. Anh Nguyễn Quốc Trưởng cho biết, từ năm 2000 đến năm 2014, tổng diện tích rừng ngập mặn của Đồng Rui được trồng mới với diện tích lên tới gần 900ha.
* *
*
Còn ông Trịnh Xuân Thật, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân đã nghỉ hưu, người được Đảng ủy, UBND xã đảo Đồng Rui giao trọng trách làm giám đốc dự án trồng, khôi phục lại rừng ngập mặn Đồng Rui, hôm nay gặp lại đã gần tuổi 70, nhưng tóc vẫn còn xanh, dáng vóc còn săn chắc. Ông vẫn tráng kiện như một lão nông tuổi đang ở độ trung niên. Gặp lại nhau, nhao vào nắm tay nhau xoắn xuýt, ôn lại cái trưa hè nắng lửa tháng 4/2009, tôi lếch thếch đường đột đến tư gia tìm ông lấy tư liệu viết bài phóng sự "Nắng gió rừng ngập mặn". Giờ ngẫm lại mà vẫn bật cười. Phút hàn huyên cởi mở qua đi, ông Thật nói với tôi:
- Để bù lại các khiếm khuyết ngày xưa, nay anh ra với Đồng Rui có cần tìm hiểu để viết nữa không? Nếu cần đến sự hỗ trợ của tôi, tôi sẽ làm một chân lái xe ôm đưa anh đi vòng quanh đảo. Nếu anh cần thị sát cận cảnh với những cánh rừng, thì tôi sẽ gọi thuyền đưa anh bằng đường thủy.
Tôi bất ngờ về lòng nhiệt thành và sự ưu ái của ông Thật dành cho tôi. Tôi trả lời ông:
- Vậy thì còn gì quý hơn nữa. Tôi vẫn muốn tìm hiểu để viết về Đồng Rui. Viết về những gì 10 năm qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Rui đã làm được để khôi phục lại rừng ngập mặn. Được anh giúp thì quý quá. Nhưng hôm nay thời giờ còn eo hẹp quá nên chỉ nhờ anh làm một tài xế xe ôm chở vòng quanh đảo để ngắm rừng, ngắm đảo. Vậy là… ô kê.
Con đường cấp phối vừa được đổ xong bao quanh xã đảo. Nó vừa là đường giao thông liên hoàn nhưng cũng là con đê chắn sóng cho Đồng Rui khi có bão lớn từ biển Đông ập vào. Với chiều dài trên 20km, con đường khi làm xong bổn phận chắn sóng đã vươn ra nối vào với con đường 18A. Như vậy là nay Đồng Rui đã có hai con đường song song vươn ra nối đảo với bờ, để Đồng Rui nay đã mang diện mạo của một bán đảo.
Ông Thật cho xe đi thật chậm, cố ý để cho tôi có thời giờ ngắm nhìn phong cảnh Đồng Rui cận buổi hoàng hôn và cũng là để giới thiệu với tôi về thành quả mà Đồng Rui đã giành được. Ông bảo:
- Để có những gì như anh đang thấy hôm nay, nhân dân Đồng Rui đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức. Nguồn kinh phí được Nhà nước cấp cho và sự hỗ trợ quý giá của các tổ chức quốc tế, nhưng cũng chỉ đáp ứng phần nào cho nhu cầu khôi phục lại rừng, nên phải dựa vào sức dân. Được sự đồng thuận của toàn dân trong làng xã, Đảng ủy, UBND xã đã phát động xuống các khối đoàn thể cùng hiệp lực để huy động thành những chiến dịch ra quân xuống biển trồng rừng. Khi đã thấu hiểu vai trò của rừng là sự mất còn của cuộc sống nên mỗi khi chiến dịch trồng rừng được phát động là già trẻ, gái trai hơn 2 ngàn nhân khẩu toàn xã ai còn sức đều đổ ra biển trồng rừng. Thanh niên thì hái quả tìm giống chuyên chở về cho người già, lao động phụ, người yếu sức cấy trồng.
Và cứ vậy, mỗi đợt ra quân, bãi hoang được vá lại màu xanh. Cho đến hôm nay việc trồng rừng của Đồng Rui vẫn chưa dừng lại. Hàng năm, địa phương vẫn tổ chức tiếp những đợt ra quân, mở hội xuống biển trồng rừng bổ sung, trồng dặm cho rừng kín bãi.
Rồi ông Thật khẳng định:
- Trồng được rừng đã khó, nhưng giữ được rừng lại càng khó hơn. Việc chăm sóc, bảo vệ rừng cũng là việc thường xuyên mà địa phương phải quan tâm đưa ra làm chính sách hàng đầu. Những quy chế được đặt ra khắc thành biển ở lối vào mỗi thôn, ở ngay trung tâm hành chính xã. Đó cũng là hương ước của Đồng Rui nhắc nhở người dân luôn quan tâm bảo vệ lấy rừng: Rừng ngập mặn là tài sản chung của toàn dân. Mọi người đều phải có trách nhiệm…
* *
*
Khi tiếp tôi tại văn phòng Đảng ủy Đồng Rui, anh Nguyễn Quốc Trưởng, Phó Bí thư Đảng bộ xã cho tôi xem bản tham luận mà anh mang đi dự hội thảo đã kể trên. Đó là những mục tiêu, tiêu chí thiết thực được đặt ra với việc phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn Đồng Rui, xin được phép trích dẫn những điểm nhấn mà bản tham luận đã nêu mà tôi thấy là rất thiết thực để bổ sung cho bài viết này:
- Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ kinh doanh các loại chất đốt công nghiệp như gas, than tổ ong thay cho thói quen đun nấu bằng củi của nhân dân. Vì vậy đến nay trên địa bàn xã đã có 80% số hộ đun bằng gas. Những hộ dân do khả năng kinh tế còn eo hẹp thì chuyển qua dùng than tổ ong nên đã chấm dứt hoàn toàn nạn phá rừng làm củi.
- Biện pháp thứ hai là chấm dứt hoàn toàn chủ trương cấp đất cho dân, cho những doanh nghiệp có dự án nuôi tôm quảng canh. Mà ưu tiên, khuyến khích những hộ dân, doanh nghiệp có dự án nuôi tôm công nghiệp với công nghệ cao, vừa hiệu quả mà không bị ảnh hưởng việc lấn chiếm đất rừng, phá vỡ môi sinh.
- Cấm triệt để việc hút cát làm sạt lở địa hình, gây mất diện tích bãi triều và rừng ngập mặn.
- Tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng khi những bãi bồi mở dần ra biển. Tăng cường công tác bảo vệ, quản lý, chăm sóc để rừng được bảo đảm phát triển.
Và Đồng Rui cũng kiến nghị với Nhà nước:
- Rừng ngập mặn cần có chính sách quan tâm, bảo đảm quản lý, phát triển, xây dựng như các loại rừng đặc dụng khác.
- Đồng Rui vẫn mong được các chương trình, các tổ chức quốc tế phi chính phủ tiếp tục đầu tư các dự án, hỗ trợ kỹ thuật, tài trợ kinh phí để rừng liên tục được phục hồi, quản lý và bảo vệ.
Và điều mong muốn lớn nhất mà anh Nguyễn Quốc Trưởng trăn trở với cuộc sống của nhân dân Đồng Rui là:
- Xã đảo Đồng Rui mong được nhà nước cho bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn, bảo tồn thiên nhiên tại đây, để tạo điều kiện hơn nữa cho Đồng Rui phát triển thành khu sinh thái đặc biệt. Qua đó góp phần an sinh kinh tế cho người dân Đồng Rui và đóng góp cho hệ sinh quyển khu vực và toàn cầu.
Riêng phần tôi. Người đưa tin. Người bấy nay từng trăn trở cùng với Đồng Rui rất đồng cảm với những gì mà anh Nguyễn Quốc Trưởng đang trăn trở…
* *
*
Chiều hải đảo.
Hoàng hôn đang buông xuống Đồng Rui.
Nước đang ròng kiệt, chân bãi phơi ra hết tầm. Màu xanh rừng ngập mặn tràn ra hòa vào với miên man dãy đảo Vạn Hoa, xanh thẫm. Màu xanh mang theo thông điệp cuộc sống của Đồng Rui. Những đàn cò, diệc sau một ngày kiếm ăn no nê, giờ tụ về hội ngộ. Những đôi cánh giang giang chớp trắng cả ngọn rừng. Chập chờn xa xa trong ánh tà dương, mây chiều bảng lảng, đài kiểm soát không lưu của Sân bay quốc tế Vân Đồn sừng sững vươn lên trên màu xanh của rừng, của đảo. Đứng giữa bao la một vùng sinh thái, ai đến đây hẳn cũng có cảm xúc như tôi.
Mình đã được ùa vào giữa bát ngát thiên đường xanh.
Nguyễn Duy Liễm
Liên kết website
Ý kiến ()