Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:22 (GMT +7)
Trợ lực thoát nghèo cho người dân miền núi
Thứ 2, 14/11/2022 | 13:56:52 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số (DTTS) đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Có của ăn, của để là mong ước của gia đình chị Lỷ Thị Lan (bản Mảy Nháu, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà), song khó khăn về vốn để đầu tư phát triển sản xuất khiến mong ước của gia đình nhiều năm qua không thực hiện được. Đầu năm 2022 được vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, gia đình chị đã trồng thêm 4ha cây quế, thay vì để đất trống, đồi núi trọc như trước đây. Đến nay, những cánh rừng đang lên xanh tốt.
Chị Lỷ Thị Lan chia sẻ: Với lãi suất cho vay thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là động lực quan trọng giúp gia đình tôi phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tiền thu được từ rừng, một phần trả nợ ngân hàng, còn lại gia đình tiếp tục mua cây giống, phân bón, mở rộng diện tích trồng.
Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND "Phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"; Nghị quyết số 50/NQ-HĐND (ngày 13/11/2021) phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình tổng thể.
Trong 2 năm qua, tỉnh đã phân bổ 190 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng CSXH triển khai chương trình giải quyết việc làm tại 65 xã vùng miền núi, biên giới, hải đảo, DTTS. Để kịp thời đưa vốn đến người dân, phòng giao dịch ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố (trừ TX Quảng Yên không có đối tượng thụ hưởng) đã tổ chức rà soát đối tượng, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả phương thức ủy thác cho vay, nhanh chóng giải ngân nguồn vốn tín dụng; nhanh chóng hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch trong vòng 1 tháng, kể từ thời điểm tiếp nhận vốn. Đến nay, toàn tỉnh có 2.680 lượt khách hàng được vay vốn với số tiền 194,7 tỷ đồng (vốn cấp mới 190 tỷ đồng đã giải ngân 100%, vốn thu hồi 4,7 tỷ đồng cho vay quay vòng); mức vay bình quân 73 triệu đồng.
Nguồn vốn đầu tư đã đến 100% thôn, bản vùng DTTS, miền núi, biên giới. Từ nguồn vốn này, người dân đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ...; giúp tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, tránh nguy cơ tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều hộ dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo, DTTS có nguy cơ tái nghèo, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không tiếp cận được một số chương trình tín dụng ưu đãi do không thuộc đối tượng...
Bà Vũ Thị Ngọc Bích, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho người dân, thúc đẩy sản xuất, giảm nghèo bền vững, Ngân hàng đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nắm bắt, tổng hợp nhu cầu vốn của người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo, DTTS giai đoạn 2023-2025 là 1.794 tỷ đồng, tạo việc làm cho 21.878 lao động. Ngân hàng đã có văn bản đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí khoảng 200 tỷ đồng vốn ngân sách/năm cùng với nguồn vốn thu hồi, nguồn vốn trung ương để hỗ trợ kịp thời về vốn cho người dân khu vực này phát triển sản xuất.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()