Trên cả nước, giá lợn hơi tại Tuyên Quang và Thanh Hóa cũng đã đạt mức 50.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi có quy mô trang trại lớn đã đạt "điểm" hòa vốn. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang lỗ khoảng 3.000-5.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Chiêu, chăn nuôi lợn tại Gia Kiệm (Đồng Nai) cho biết, giá lợn hơi tại khu vực Đông Nam Bộ ngày 7.1.2021 cũng tăng 1.000-2.000 đồng/kg, bán ra phổ biến ở mức 47.000-49.000 đồng/kg. Giá lợn hơi cao nhất tại các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh. Tuy nhiên, tại miền Nam, chưa địa phương nào có giá lợn hơi chạm mốc 50.000 đồng/kg, nên có thể mức giá sẽ được điều chỉnh theo hướng "nhảy vọt" khi nhu cầu người tiêu dùng sát Tết Nguyên đán tăng cao.
Theo ông Nguyễn Hanh - chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), giá lợn hơi sẽ tăng từ nay đến sát Tết Nguyên Đán và có thể chạm mốc 65.000 đồng/kg, nếu nguồn cung không nhiều, giá có thể ở mức 70.000 đồng/kg nhưng sẽ không tăng "sốc" như các Tết Nguyên đán trước đây. Nguyên nhân bởi nguồn cung không thiếu, nhu cầu tiêu dùng trong Tết này cũng được dự báo không tăng nhiều do người dân thắt chặt chi tiêu sau ảnh hưởng của làn sóng thứ tư dịch COVID-19.
Thông tin về nguồn cung thịt lợn, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) cho biết, đàn lợn cả nước đã trên 28 triệu con, đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cũng đã ở mức 6,8 triệu tấn.
Theo Bộ NNPTNT, ngành chăn nuôi cả nước đảm bảo nguồn cung thịt các loại phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt không để thiếu hụt nguồn cung dịp Tết Nguyên đán. Hiện tại, ngoài đàn lợn với 28 triệu con, tăng 7,1% còn có đàn gia cầm đạt khoảng 525 triệu con, tăng 5,8%; đàn bò khoảng 6,5 triệu con (riêng đàn bò sữa đạt 375,2 nghìn con, tăng 13,2%). Sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%; sản lượng sữa tươi ước gần 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; sản lượng trứng trên 17,5 tỉ quả (tăng 5,1%).
Ý kiến ()