Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:32 (GMT +7)
Trồng cây dược liệu dưới tán rừng
Thứ 4, 23/02/2022 | 15:32:31 [GMT +7] A A
Với lợi thế về đất lâm nghiệp, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời gian gần đây trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số mô hình trồng cây dược liệu gắn với kinh tế vườn, đồi và trồng cây dược liệu dưới tán rừng đang là một hướng quan trọng trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của địa phương.
Dẫn chúng tôi thăm khu vực trồng cây ba kích tím thuộc Dự án trồng cây dược liệu của Công ty TNHH Bách Thảo Trung Hiếu (TP Hạ Long) tại thôn 3, xã Quảng Thịnh (huyện Hải Hà), ông Hà Minh Tuấn, quản lý trực tiếp Dự án, cho biết: Dự án được Công ty triển khai từ cuối năm 2015. Đến nay, trong tổng số 14ha mặt bằng đã giải phóng, Công ty đã trồng được 13ha cây ba kích tím, toàn bộ giống được lấy từ huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), số vốn đầu tư ban đầu gần 15 tỷ đồng. Cùng với trồng cây ba kích tím, Công ty xây dựng vườn ươm giống với quy mô ban đầu hơn 10 vạn cây, lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương trên toàn bộ diện tích cây ba kích đã trồng. Hiện một số diện tích đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế khá cao.
Dự án trồng cây dược liệu được Công ty triển khai với quy mô hơn 52ha, trong đó gồm các hạng mục: Khu vườn ươm, khu vực trồng cây dược liệu, nhà kho sản xuất, khu vực sơ chế dược liệu, khu sản xuất cao đặc ba kích, khu sản xuất viên nang, cốm hòa tan... Dự án sẽ mở ra một hướng đi mới phát triển vùng cây dược liệu của huyện Hải Hà.
Tài lệch (cát sâm) là một trong những loài cây mọc tự nhiên ở nhiều núi rừng tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Ở lập địa tốt, cây trên 1 tuổi có thể cho thu hoạch là rễ phình to tạo thành củ. Tài lệch thường được dùng làm thuốc, chữa các bệnh liên quan đến xương khớp, viêm phế quản mãn tính, lao phổi, viêm gan mãn tính...
Tài lệch có đặc tính sinh thái học phù hợp với điều kiện đất đai, lập địa tại Quảng Ninh. Hiện một số địa phương như Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu cây mọc tự nhiên trên rừng. Để phục vụ việc bảo tồn nguồn gen cây tài lệch cũng như trồng cây dưới tán rừng, lấy ngắn nuôi dài, nhằm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, góp phần bảo vệ rừng, phát triển kinh tế, Phòng NN&PTNT huyện Hải Hà đã xây dựng và triển khai “Mô hình trồng khảo nghiệm cây tài lệch dưới tán rừng” tại bản Tài Chi, xã Quảng Sơn. Mô hình được triển khai từ năm 2020, quy mô 2ha, giao cho hộ ông Phùn A Sám quản lý, chăm sóc. Mô hình được thực hiện với số vốn 176,4 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 63,2 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân. Đến nay, mô hình đang phát triển tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước được nhân rộng tại địa phương.
Từ năm 2019, Phòng NN&PTNT huyện Hải Hà đã triển khai mô hình trồng thử nghiệm thâm canh cây macca tại thôn Tân Đức (xã Quảng Đức), quy mô 1ha. Đến nay, qua theo dõi sự sinh trưởng và phát triển kết hợp kiểm tra thường xuyên, cây macca sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 90%. Mô hình thành công, về lâu dài tạo ra được vùng trồng cây macca tập trung, áp dụng quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, có năng suất, chất lượng tốt, nhằm chủ động được vùng nguyên liệu cung cấp ổn định cho nhà máy chế biến; tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.
Trên địa bàn huyện Hải Hà còn có nhiều mô hình trồng cây trà hoa vàng cho hiệu quả kinh tế cao, tổng diện tích hiện có hơn 10ha. Từ năm 2014, anh Lê Mạnh Quy (thôn 5, xã Quảng Minh) đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 3ha đất vườn của gia đình để trồng cây trà hoa vàng. Cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được chăm sóc cẩn thận, nên sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, quy mô vườn cây trà hoa vàng của gia đình anh Quy hơn 10.000 cây đã cho thu hoạch, chủ yếu là giống bản địa, có chất lượng tốt. Để lấy ngắn nuôi dài, trong khu vườn của gia đình, anh Quy trồng thêm cây hoa hòe, vừa để lấy tán che phủ cho diện tích cây trà hoa vàng, vừa tăng thêm thu nhập. Anh Quy đầu tư công nghệ chế biến, đưa trà hoa vàng trở thành sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Hải Hà nói riêng, của tỉnh nói chung.
Thái Cảnh
Liên kết website
Ý kiến ()