Từ bỏ công việc kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Tuấn, 52 tuổi, tìm mua giống khoai mài về trồng, thu lãi hơn 5 tỷ đồng mỗi năm.
Dưới cái nắng gay gắt cuối tháng tư, ông Tuấn cùng 5 người lái xe múc vào vườn khoai mài rộng 8 ha ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ. Sau 8 tháng xuống giống, đám khoai tàn lụi chỉ còn lưa thưa cỏ dại trên những luống thẳng tắp. Để thu hoạch, xe múc đào rãnh sâu hơn một mét giữa hai luống. Một người kéo vòi xịt áp suất lớn lên thành rãnh để cát sụp xuống, lộ ra hai hàng củ. Người khác bưng củ khoai đặt vào sọt gỗ. Công đoạn thu hoạch rất cẩn thận, vì củ mài khi gãy vụn khó bán được giá.
Khoai mài - trong Đông y có tên hoài sơn là loài thực vật thuộc họ củ nâu (Dioscoreaceae). Chúng mọc dại trên rừng, đồi cát và được tìm thấy nhiều ở Việt Nam, phía Nam Trung Quốc, Thái Lan... Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ nhiều năm trước, người dân huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc đưa giống về thuần hóa, gầy trồng ở vườn làm thực phẩm hoặc đem ra chợ bán.
Củ khoai mài dài 0,5-1,6 m được người dân dùng chế biến hàng chục món ăn. Còn theo Đông y, củ mài là loại thuốc dùng cho những người mất khẩu vị, chán ăn, hen suyễn, ho khan; giúp bổ ngũ tạng, mạnh gân xương, chữa suy nhược cơ thể, mỏi lưng và trị một số bệnh ở phụ nữ.
Ba năm trước, khi còn kinh doanh các sản phẩm về sức khỏe, cây khoai mài được ông Tuấn chú ý, bởi giá trị về kinh tế lẫn dược liệu. Ngay trong lần đến tham quan một nhà vườn ở huyện Xuyên Mộc, ông đã bỏ ra 7 triệu đồng mua 1.000 cây giống về trồng thử trên khu đất rộng 300 m2 của gia đình.
Lần đó do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, ông Tuấn lãi rất ít. Song, sau một thời gian quan sát, ông nhận thấy loài này sức sống rất mãnh liệt, có thể phát triển tốt ở vùng đất cát, đất đỏ. Ông tìm đến nhiều nhà vườn học hỏi, nghiên cứu thêm tài liệu trên internet. Đến đầu năm ngoái, ông gác việc kinh doanh, dốc hết vốn liếng và vay mượn thêm để trồng khoai mài thương phẩm.
"Bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư loại củ dại khiến nhiều người thân hoài nghi. Nhưng tôi rất quyết tâm vì tin mình làm được", ông Tuấn nói và cho biết, sau đó công ty cung cấp cây giống ký hợp đồng bao tiêu không hạn chế số lượng, với giá tại vườn 13.000 đồng mỗi kg khiến ông có thêm động lực.
Người đàn ông trung niên tìm thuê 14 ha đất ở thị xã Phú Mỹ, Châu Đức trồng 25.000-30.000 cây mỗi ha, tùy vị trí. Củ mài đâm thẳng đứng xuống lòng đất nên khi trồng phải dùng máy đào, xới làm cho đất tơi xốp xuống độ sâu khoảng một mét, sau đó lên luống cao 30 cm, dùng phân chuồng ủ hoai bón lót và làm giàn cho cây leo.
Theo ông Tuấn, trong suốt quá trình sinh trưởng, cây khoai mài rất ít sâu bệnh. Người trồng chỉ dùng phân hỗn hợp, bón bổ sung vào gốc với chu kỳ 7-10 ngày một lần. Một hệ thống tưới phun được lắp trên các luống để cung cấp nước cho cây vào mùa khô. Dù trồng diện tích lớn, nhưng khi xuống giống và thu hoạch chỉ cần khoảng 10-15 người. Còn suốt quá trình chăm sóc, nhân công chỉ cần một nửa số này.
Vườn khoai của ông Tuấn đang thu hoạch cho sản lượng 50-60 tấn mỗi ha. Trừ hết chi phí, ông ước tính mỗi ha lãi khoảng 400 triệu đồng. Thấy mô hình trồng khoai mài hiệu quả, nhiều nông dân tìm đến xin hợp tác, ông sẵn sàng chuyển giao quy trình, cam kết bao tiêu với giá 14.000 đồng mỗi kg.
"Vụ tới diện tích trồng của gia đình tôi và các hộ dân tăng lên 30 ha, sản xuất theo hướng hữu cơ để xuất khẩu, nhập cho các chuỗi siêu thị", ông nói và cho hay, sẽ áp dụng một vài giải pháp mới để cố gắng nâng sản lượng khoai lên 70 tấn mỗi ha.
Ông Trần Ngọc Toàn, Chủ tịch Hội nông dân thị xã Phú Mỹ đánh giá khoai mài là loài cây trồng ngắn ngày, dễ chăm sóc nhưng mang lại lợi nhuận khá cao. Trên địa bàn, đất ở các xã như Tóc Tiên, Tân Hòa, Sông Xoài... phù hợp để trồng khoai mài.
"Quá trình canh tác, người dân không cần phải sử dụng các loại hóa chất độc hại", ông Toàn nói và cho biết Hội Nông dân thị xã đang vận động người dân trồng cây lâu năm không có hiệu quả do biến đổi khí hậu, thị trường bấp bênh chuyển sang trồng khoai mài để xóa đói, giảm nghèo.
Ý kiến ()