Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 05:11 (GMT +7)
Trồng rừng tre đẹp như phim, nông dân nơi này ở Bình Thuận bán măng thôi đã giàu hẳn lên
Thứ 4, 22/02/2023 | 11:22:49 [GMT +7] A A
“Tôi chọn trồng giống tre tứ quý vì cây cho ra măng quanh năm, trong khi những loại tre khác chỉ ra một mùa. Hơn nữa măng tre ra nghịch vụ nên giá bán cao hơn”. Đó là lời chia sẻ của ông Lê Thanh Sơn (sinh năm 1971), thôn Thanh Linh, xã Tân Phước, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Hòa trong ánh nắng ban mai của những ngày cuối năm, tôi đứng ở “rừng” tre xanh ngát, hít hà không khí trong lành giữa bầu trời. Vô số những tia nắng vàng xuyên qua kẽ lá, xuyên qua hạt sương còn đọng lại, lấp lánh sắc màu xuống thảm thực vật dưới gốc tre. Từng búp măng đã nhô cao khỏi mặt đất, to tròn chờ người tới thu hoạch, bán tết…
Trồng tre hữu cơ trên vùng đất cằn
“Tôi chọn trồng giống tre tứ quý vì cây cho ra măng quanh năm, trong khi những loại tre khác chỉ ra một mùa. Hơn nữa măng ra nghịch vụ nên giá thành cao hơn”. Đó là lời chia sẻ của ông Lê Thanh Sơn (sinh năm 1971), thôn Thanh Linh, xã Tân Phước, thị xã La Gi.
Vùng đất này vốn có khí hậu hanh khô, ít mưa, nhiều nắng. Bên cạnh vấn đề nước tưới, đó còn là vùng thổ nhưỡng nhiễm phèn, không mấy màu mỡ. Với ông Sơn, từ nhỏ đã gắn bó với lũy tre làng, lại thêm niềm đam mê làm nông nghiệp, đã hun đúc ý chí của ông về một loại cây trồng hiệu quả.
Thế nhưng, do diện tích đất của gia đình khô cằn, nên các loại cây trồng như keo lá tràm, thanh long không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Do đó ông Sơn trăn trở, tìm tòi loại cây nào dễ thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, và giống tre tứ quý là sự lựa chọn.
Theo chia sẻ của chủ vườn, giống tre tứ quý có nguồn gốc từ Đài Loan, được ông tìm mua ở Đồng Nai. Hiện nay, 25 ha cây tre tứ quý đã bước sang năm thứ 3, cho thu hoạch búp măng quanh năm, năng suất hiện tại 1 ha từ 30 - 50 tấn măng vỏ/năm (tùy điều kiện chăm sóc), với giá bình quân 10.000 - 15.000 đồng/kg, phân phối cho các thương lái ở địa phương và thị trường TP. Hồ Chí Minh.
Hàng ngày vào giữa trưa, khi ngồi nghỉ mát dưới bóng cây tre phủ kín, ngắm nhìn cơ ngơi xanh ngát của mình, chủ trang trại này cảm thấy nhẹ nhõm, tạm hài lòng.
Ông Sơn bộc bạch: “Tôi đã suy nghĩ tại sao không trồng tre, loài cây vốn gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam. Đây là loại cây dường như thích nghi với mọi loại đất, kể cả đất nhiễm phèn như ở Tân Phước. Chúng vừa cho thu hoạch sản phẩm vừa cải tạo được đất, môi trường. Ngoài cây tre, tôi còn trồng thêm hàng trăm cây dừa xiêm xanh, nuôi cá trong ao tưới và nuôi heo rừng, nhím, dê để ăn phụ phẩm từ tre theo mô hình sản xuất, chăn nuôi khép kín, hữu cơ mang lại hiệu quả cao”.
“Tôi chọn trồng giống tre tứ quý vì nó cho ra măng quanh năm, trong khi những loại tre khác chỉ ra một mùa. Hơn nữa ra nghịch vụ nên giá thành cao hơn”, ông Lê Thanh Sơn chia sẻ.
Măng là loại thực phẩm quen thuộc của mỗi gia đình, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Với nông dân Lê Thanh Sơn luôn tâm niệm thực phẩm phải sạch, độ an toàn cao để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, vườn tre được ông trồng theo hướng hữu cơ, chủ yếu bón phân gà ủ hoai, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng hệ thống tưới nước tự động từ ao nuôi cá để cung cấp chất dinh dưỡng tự nhiên cho cây.
Măng sạch vươn xa
Đặc điểm của măng tre tứ quý là vỏ xanh, thịt trắng, càng nấu chín măng càng ngọt. Măng không chỉ là món ăn giàu hương vị, mà còn rất bổ dưỡng, đóng góp một lượng chất xơ, kali, mangan và chất chống oxy hóa cho cơ thể.
Đáng nói, hầu như tất cả các bộ phận của măng tre tứ quý đều sử dụng được. Măng thu hoạch dạng còn vỏ hoặc luộc thành phẩm được thị trường trong và ngoài tỉnh khá ưa chuộng. Vỏ măng khi nấu chín làm thức ăn nuôi heo rừng lai và nhím.
Thân cây tre dùng để nuôi con nu, bột tre cho cừu ăn. Cành tre sau cắt tỉa sẽ được đưa vào máy cắt nhỏ tạo thành thảm thực vật dưới gốc cây…
Bằng kinh nghiệm của mình, hiện ông Sơn với vai trò là Giám đốc HTX măng tre tứ quý Tân Phước, đã tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm cho 11 hội viên về con giống và trồng tre tứ quý trên đất bạc màu. Thời điểm này các thành viên HTX đã trồng khoảng 25 ha tre tứ quý và được HTX bao tiêu sản phẩm.
Đáng phấn khởi, thời gian qua đã có một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập mô hình và đặt mua cây giống tại vườn ươm tre tứ quý này để nhân rộng. Theo chia sẻ của chủ vườn, thu nhập bình quân hàng năm từ măng tre tứ quý, dừa xiêm và chăn nuôi tuần hoàn tại gia đình, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 2 tỷ đồng/năm. Đồng thời tạo việc làm cho 10 lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Không dừng lại ở sản phẩm măng tươi, với mong muốn đưa măng tứ quý vươn ra thị trường, ông Sơn đang hoàn thiện nhà xưởng chế biến công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm măng tươi, măng khô đảm bảo tiêu chí sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời hướng đến việc đăng ký sản phẩm OCOP, từng bước tìm kiếm thị trường xuất khẩu măng tre ra nước ngoài…
Một mùa xuân nữa lại về! Nhìn từ xa, vườn tre tứ quý rộng lớn ở vùng đất La Gi tạo nên một bức tranh nông thôn tuyệt đẹp.
Đây là điểm đến hứa hẹn sẽ trở thành khu du lịch sinh thái lý tưởng. Câu chuyện về cây tre tứ quý ở vùng đất bạc màu như Tân Phước, đang trở thành một loại cây hiệu quả trong chuyển đổi cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần chống biến đổi khí hậu. Xuân đến rực rỡ sắc màu. Chim bay về rừng tre làm tổ.
Trước thềm năm mới, măng tre tứ quý đã được nhiều gia đình mua về chuẩn bị cho một cái tết đậm vị yêu thương. Người nông dân “mê” tre tứ quý Lê Thanh Sơn đang ấp ủ trong mình những bài toán về giá trị kinh tế của cây tre, công nghiệp xanh từ cây tre mà ông đang hướng đến trong tương lai…
Năm 2022, ông Lê Thanh Sơn là một trong số ít nông dân Bình Thuận đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2017 - 2022 và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen.
|
Theo Danviet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()