Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:04 (GMT +7)
Trung Quốc gấp rút phát triển vaccine mRNA phòng COVID-19
Thứ 3, 11/01/2022 | 09:43:34 [GMT +7] A A
Trung Quốc đã tiêm 2,8 tỷ liều vaccine virus bất hoạt cho 1,2 tỷ người. Nhưng quyết định phong toả 13 triệu cư dân ở Tây An có thể cho thấy sự thiếu tin tưởng đối với các mũi tiêm nội địa. Lúc này cuộc đua phát triển vaccine mRNA đang được gấp rút tiến hành.
Cuộc chạy đua phát triển vaccine mRNA phòng Covid-19 của Trung Quốc ngày càng cấp thiết hơn khi Bắc Kinh nỗ lực kiềm chế sự bùng phát của biến thể Omicron đang đe dọa chính sách “Zero COVID” của họ.
Theo thống kê chính thức, chiến lược chống đại dịch của Bắc Kinh - trong đó chính quyền thực hiện các biện pháp phong toả nghiêm ngặt các cộng đồng có ca bệnh địa phương để dập tắt bất kỳ đợt bùng phát nào - đã chứng tỏ hiệu quả trong việc ngăn chặn số lượng lớn ca tử vong, như đã xảy ra ở một số nước phương Tây.
Nhưng chiến lược này đã khiến Trung Quốc bị cô lập với phần còn lại của thế giới và hàng triệu công dân của họ bị phong toả ngay trong nhà của mình để ngăn virus lây lan.
Trong khi đó, tiến độ nhằm đưa vaccine mRNA nội địa vào sử dụng ở Trung Quốc còn chậm, do các công ty dược phẩm của nước này ban đầu chọn sử dụng công nghệ virus bất hoạt truyền thống.
Vào tháng 11/2021, công ty công nghệ sinh học Suzhou Abogen Biosciences của Trung Quốc và đối tác là Walvax Biotechnology đã được phép thử nghiệm ứng cử viên vaccine mRNA của họ như một mũi tiêm tăng cường.
Vaccine nói trên cùng công nghệ được sử dụng trong các mũi vaccine COVID-19 của Moderna và BioNTech / Pfizer, cung cấp mức độ bảo vệ chống lại biến thể Omicron cao hơn so với các mũi tiêm hiện có do Trung Quốc sản xuất.
Tiến sĩ Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện Vaccine quốc tế ở Hàn Quốc, cho biết các công ty dược phẩm Trung Quốc đã lựa chọn "vaccine kiểu cũ" vì "công nghệ hiện có rất dễ sử dụng và được sử dụng trong những loại vaccine đã tiêm cho hàng tỷ người. ".
Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn khẳng định rằng phương pháp này tạo ra phản ứng miễn dịch yếu hơn so với vaccine mRNA và vectơ virus, vốn gây ra phản ứng có chủ đích đối với protein gai của SARS-CoV-2 khi nó xâm nhập vào tế bào người.
Tiến sĩ Jin Dong-yan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong, nhận xét: “Hiệu quả thấp hơn của vaccine Trung Quốc cho thấy hầu hết mọi người thiếu các kháng thể trung hòa cần thiết để ngăn ngừa nhiễm virus hoặc mắc bệnh nghiêm trọng”.
Nghiên cứu từ trường Đại học Hong Kong cho thấy hai mũi tiêm cơ bản và liều tăng cường của Sinovac không đủ khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron, trong khi một nghiên cứu khác chứng minh rằng hiệu quả của cả hai loại vaccine Trung Quốc đều giảm nhanh chóng.
Vào tháng 11/2021, các học giả Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu cảnh báo rằng việc chuyển từ chính sách “Zero-COVID” nghiêm ngặt của Bắc Kinh sang chính sách tương tự như ở Mỹ sẽ làm áp đảo hệ thống y tế và gieo rắc thảm họa cho đất nước.
Một nghiên cứu trên 185 nhân viên y tế ở Thái Lan, chưa được thẩm định, cho thấy 60% người tiêm vaccine Sinovac có mức kháng thể trung hòa cao một tháng sau khi tiêm mũi hai, nhưng con số đó đã giảm xuống còn 12% sau 3 tháng.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã từ chối cấp phép cho vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech. Tiến sĩ Calvin Ho tại Đại học Hong Kong, cho biết Bắc Kinh không công nhận vaccine do các công ty dược phẩm nước ngoài phát triển vì họ muốn hỗ trợ sản phẩm nội địa.
Lúc này các nhà đầu tư đang hy vọng vaccine Walvax và Abogen, được hợp tác phát triển cùng với một viện quân y Trung Quốc, sẽ không gặp phải những rào cản tương tự. Năm ngoái, Abogen (được thành lập vào năm 2019 và có trụ sở tại Tô Châu) đã huy động được 1,1 tỷ USD từ các nhà đầu tư, trong đó có Temasek - quỹ đầu tư do nhà nước Singapore hậu thuẫn và công ty đầu tư Invesco.
Tháng trước, chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc, Tiến sĩ Chung Nam Sơn (Zhong Nansha) nói rằng Bắc Kinh nên "học hỏi từ các quốc gia khác trong những lĩnh vực mà họ đã làm tốt, như vaccine mRNA. Họ đã dành nhiều năm để phát triển nó và sản xuất vaccine mRNA trong vài tháng".
Tiến sĩ Jin tại trường Đại học Hong Kong cho biết, do Trung Quốc chậm phát triển công nghệ mRNA, các công ty dược phẩm của họ thiếu bí quyết khoa học và máy móc chuyên dụng để cung cấp vaccine trên quy mô lớn.
Ông nói thêm rằng có những rào cản kỹ thuật đáng kể trong việc tạo ra các hạt nano lipid, như một lá chắn chất béo bảo vệ các phân tử mRNA mỏng manh khi xâm nhập vào tế bào người, vốn khó sản xuất một cách an toàn và với số lượng lớn.
Nhưng Tiến sĩ Jerome Kim nói rằng việc Trung Quốc tiếp cận được vaccine mRNA chỉ là "vấn đề thời gian", các hạt nano lipid an toàn và hiệu quả sẽ được cấp phép nhập khẩu nếu các công ty trong nước không thể tự sản xuất.
Nhưng ngay cả khi Trung Quốc sử dụng vaccine mRNA sản xuất trong nước cho liều tăng cường, các chuyên gia cảnh báo rằng đó có thể không phải là "viên đạn bạc" cho phép nhà chức trách tự tin chấm dứt chính sách “Zero COVID”.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()