Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:59 (GMT +7)
'Trùng tu' Luật Di sản để văn hóa Việt Nam tiệm cận với thế giới
Chủ nhật, 31/07/2022 | 11:37:35 [GMT +7] A A
Nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra như tôn tạo chùa “chui,” xây thêm công trình trong vùng lõi di tích, “chảy máu” cổ vật... Nguyên nhân là do những "lỗ hổng" trong hành lang pháp lý quản lý di sản.
Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa, tính đến năm 2021, Việt Nam có 14 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào các danh sách của UNESCO. Nếu việc quản lý di sản không được thực hiện tốt thì vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế rất có thể sẽ bị lung lay. Do đó, cải tiến hành lang pháp lý cho phù hợp với thực tế phát triển và quy ước quốc tế là điều các chuyên gia và cơ quan quản lý văn hóa đang trăn trở.
Để không ‘chảy máu’ di sản
Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được hết sức quan tâm. Nhờ đó, việc quản lý di sản văn hóa Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo thời gian, Luật Di sản văn hóa đang lộ ra những bất cập, thậm chí là những “lỗ hổng” để nhiều đơn vị “lách luật.”
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại nhiều địa phương, công tác quản lý, tuyên truyền về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được chú trọng. Hiện tượng xâm hại di tích còn diễn ra như tại Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), di tích Thành cổ Luy Lâu, di tích đền Miễu và đền Phấn Động trong quần thể phòng tuyến sông Cầu (sông Như Nguyệt Bắc Ninh); sự xâm hại nghiêm trọng tại khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (Phú Thọ); Phố cổ Hội An (Quảng Nam) đang bị cảnh báo vì mất hồn phố cổ…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành lấy ý kiến đóng góp từ chuyên gia và các cơ quan liên ngành để tiếp tục hoàn thiện chính sách về di sản văn hoá, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tiến sỹ Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) cho hay dù Ký ức thế giới được UNESCO khởi xướng vào năm 1992, tuy nhiên thời kỳ đầu, việc tham gia vào chương trình này còn chưa được quan tâm đúng mức.
“Để có thể thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về Di sản tư liệu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về di sản tư liệu để sớm trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành…,” bà Hương nhấn mạnh.
Xuất phát từ thực tiễn, phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng vấn đề bảo vệ di tích và hiện vật sau khi khai quật chưa được quy định chặt chẽ. Từ lâu, giới khảo cổ học đã mong đợi việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa.
“Trong khảo cổ học, việc khai quật và di dời khảo cổ học mới chỉ mới là thu thập tư liệu, khoảng 50% nhiệm vụ, còn lại một nửa là chỉnh lý và xây dựng hồ sơ khoa học. Nếu không làm hồ sơ khoa học, phác dựng lại quá khứ một cách chân thực, thì kinh phí và công sức bỏ ra khai quật, di dời là vô ích, lãng phí, thế hệ sau không có tư liệu nghiên cứu lịch sử dân tộc trong khi di tích đã bị phá hủy rồi...,” ông Tín trăn trở.
Ở Việt Nam hiện có 2 cách ứng xử. Một là, sau khi đã xây dựng hồ sơ khoa học, các di vật hầu hết đều được chôn lấp (hoặc vứt bỏ), chỉ giữ mẫu hiện vật và các hiện vật được đánh giá quan trọng để trưng bày. Hai là lưu giữ toàn bộ di vật như Hoàng thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ.
“Việc giữ lại toàn bộ di tích, di vật đã được di dời là hợp lý, vì trong xử lý, nghiên cứu còn có điểm chưa nhận thức hết được, còn phải nghiên cứu đi, nghiên cứu lại nhiều lần. Điều này nếu không quy định rõ ràng thì sẽ gây lãng phí di sản và đặc biệt sẽ gặp khó khăn khi đặt vấn đề nghiên cứu lại thì không còn di vật nữa. Tuy nhiên, hiện nay cũng không có ở trong bất cứ Luật hoặc các văn bản pháp lý nào của nước ta quy định về các vấn đề trên...,” ông Tín nêu rõ.
Hiến kế cho quản lý
Để khắc phục những tồn tại này, giáo sư-kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính (nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia) cho rằng cần bổ sung thêm những khái niệm mới vào Luật Di sản văn hóa, chẳng hạn như thuật ngữ di sản đô thị hoặc di sản kiến trúc nông thôn.
Theo ông, công cụ quản lý bảo tồn di sản đô thị, nông thôn là những bản quy hoạch chi tiết về cải tạo các khu di sản, các quy chế, quy định đối với các công trình, di tích, đường phố cần được bảo tồn ở cấp độ khác nhau. Lấy ví dụ từ trường hợp của phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm là những địa chỉ luôn đứng trước mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn với phát triển, giáo sư Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh, hành lang pháp lý rất cần bổ sung các giải pháp hài hòa.
Còn dưới góc độ bảo quản cổ vật, tiến sỹ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản Việt Nam kiến nghị rằng việc đăng ký cổ vật, di vật trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân phải là bắt buộc, không chỉ là khuyến khích.
“Đăng ký di vật, cổ vật có nhiều lợi ích như quản lý được sự biến động trong các sưu tập; định hướng được đối tượng cổ vật cần được sưu tầm, lưu gửi, phát huy; thừa nhận quyền sở hữu, khi những hiện vật có nguồn gốc phi pháp thuộc về lịch sử và đánh giá được tình trạng hiện vật đang được lưu giữ để có phương án bảo quản,” ông Quân cho biết.
Đó cũng là vấn đề cần đặt ra đối với quy định của pháp luật về di sản, để tạo điều kiện cho quản lý, tạo điều kiện cho các bảo tàng sưu tầm được những cổ vật từ đấu giá, Nhà nước thu được thuế và những cổ vật quý, thậm chí là những cổ vật đạt tiêu chí bảo vật quốc gia không bị đưa ra khỏi biên giới trái phép. Ông cũng cho rằng cần có chiến lược “hồi hương” di sản, không để tự phát, tránh "chảy máu" di sản./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()