Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:24 (GMT +7)
Trước thềm lấy phiếu tín nhiệm: ĐBQH nhận xét gì?
Thứ 6, 14/11/2014 | 06:14:45 [GMT +7] A A
Trước thềm hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, đa số cử tri đều bày tỏ thái độ đồng tình và coi đây là hình thức giám sát rất quan trọng.
Ngày 15/11, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo tinh thần Nghị quyết 35, trước khi Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết này. Trả lời phỏng vấn phóng viên trước thềm phiên lấy phiếu tín nhiệm, đa số đại biểu Quốc hội và cử tri đều đánh giá cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với các tư lệnh ngành, đồng thời đặt kỳ vọng vào lần sửa đổi Nghị quyết 35 tới đây.
Mặc dù có nhiều quy định cần sửa đổi trong Nghị quyết 35 song các đại biểu Quốc hội đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm đang phát huy hiệu quả tích cực. Qua lần lấy phiếu tín nhiệm trước, các Bộ có chuyển biến rõ rệt như Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế... Những người có tín nhiệm thấp trong đợt lấy phiếu tín nhiệm trước đã có quá trình khắc phục để quản lý điều hành tốt hơn lĩnh vực thuộc trách nhiệm của mình. Cụ thể như về ngân hàng, thời gian vừa qua, dù kinh tế khó khăn nhưng tỷ giá đồng Việt Nam giữ được ổn định, vàng được quản lý chặt chẽ, các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp. Việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng bước đầu có chuyển biến tích cực…
Đại biểu Bùi Thị An, đoàn Hà Nội |
Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đánh giá: “Lấy phiếu tín nhiệm là một nội dung giám sát rất có hiệu quả đối với các đồng chí cán bộ lãnh đạo ở các cấp được giao trách nhiệm lớn. Đây là hình thức giám sát có tác dụng vì từ lần lấy phiếu tín nhiệm trước tuy mức độ khác nhau nhưng các đồng chí đều có chuyển biến, các đồng chí đều nhìn lại những khiếm khuyết có thể do khách quan, có thể do chủ quan ngành mình được giao, nỗ lực để sửa. Đây cũng là điều cử tri mong muốn ở các đồng chí”.
Đồng tình với quan điểm, người có phiếu tín nhiệm thấp dưới 2/3 thì nên từ chức, tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, muốn làm được điều này, hệ thống pháp luật về cán bộ cần được thiết kế đồng bộ.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), sau khi lấy thông tin những người có tín nhiệm thấp phải có chế tài xử lý do luật quy định. Về công tác cán bộ cần phải xem xét, luân chuyển, điều chuyển và có chế tài cụ thể. Chúng ta đang bước đầu tiến đến việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu bằng các phiếu nhưng phải có thời gian nhất định. Việc này rất tốt để nhắc nhở tư lệnh ngành làm tốt công việc được giao.
Quá trình hoạt động khó có thể tránh được khuyết điểm, song một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: nếu được chỉ ra thiếu sót, khuyết điểm mà biết sửa chữa để tạo ra đột phá trong lĩnh vực quản lý, thì đại biểu và cử tri đánh giá rất cao. Về quan điểm cho rằng, danh sách lấy phiếu tín nhiệm không nên quy định cứng mà nên theo đề xuất của đa số đại biểu Quốc hội để việc lấy phiếu được tập trung, hiệu quả cao.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) lại không nhất trí với quan điểm này. Ông bày tỏ: “Việc lấy phiếu tín nhiệm, các đối tượng đưa ra lấy phiếu tín nhiệm cần có quy định rõ ràng, không nên lấy theo ý kiến các đại biểu Quốc hội. Theo tôi, đối với các đối tượng phải rút bớt đi, đặc biệt quan tâm tới bộ máy điều hành của Chính phủ, còn Quốc hội bầu ra các chức danh rồi lấy tín nhiệm của các chức danh mà do chính Quốc hội bầu ra đang làm việc trong Quốc hội thì không nên”.
Trước thềm hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, đa số cử tri đều bày tỏ thái độ đồng tình và coi đây là hình thức giám sát rất quan trọng ở Quốc hội và cơ quan dân cử đối với những người do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Ông Nguyễn Dương, cử tri phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, nên thu hẹp đối tượng lấy phiếu, chỉ lấy phiếu đối với chức danh Bộ trưởng, Thứ trưởng, những người trực tiếp quản lý, điều hành; Quốc hội nên lấy một số Chủ nhiệm các Ủy ban; Hội đồng nhân dân các cấp, nên lấy phiếu trong thành phần Ủy ban như Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch HĐND và các phó Chủ tịch HĐND.
Về mức độ đánh giá tín nhiệm, theo cử tri Vũ Trung Thành, ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên có 2 mức đánh giá. Người nào có số phiếu cao thì được tín nhiệm nhiều, còn người nào thấp dưới 50% thì cần phải xem xét lại.
Cử tri trông đợi vào lá phiếu của các đại biểu Quốc hội- những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình sẽ thật khách quan, công tâm.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()