Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:48 (GMT +7)
Truyền hình dễ dãi, tiếng Việt sai khác
Chủ nhật, 06/11/2022 | 23:44:28 [GMT +7] A A
Dùng sai, phát ngôn sai tiếng Việt gây khó chịu nhưng nguy hại hơn là làm trẻ em nhận thức sai, bắt chước sai. Phải chăng, đây cũng là một nguyên nhân xuất hiện những câu văn học sinh gây xôn xao xã hội, như: "Nhà em có nuôi một ông nội..."?
1. Trong bộ phim Đồng tiền đen do Hong Kong sản xuất được phát trên kênh HTV2, không rõ việc dịch, lồng tiếng Việt do bên nào thực hiện nhưng nhiều đoạn thoại trong bộ phim đã làm người yêu tiếng Việt muốn... khóc.
Một trường hợp điển hình "cười vỡ bụng": thay vì "tinh thần bất diệt" thì lời thoại lồng tiếng Việt lại nói "tinh thần đánh mãi không chết"!
Phim này còn rất nhiều ví dụ sai tiếng Việt hay thiếu "Việt hóa" như: thay vì "công ty tài chính" là "công ty tài vụ", "công chức" là "công vụ viên", "bị phóng đại" lại nói "phóng to phóng to hơn nữa"...
Bên cạnh đó còn những lời thoại rất lủng củng, dài dòng không cần thiết như lời viên cảnh sát nói với nghi phạm lúc lấy cung: "Những lời anh nói chúng tôi sẽ dùng giấy viết lại" thay vì chỉ cần ngắn gọn, rõ nghĩa: "Những lời anh khai chúng tôi sẽ ghi lại"...
Không chỉ quá ngán ngẩm với lỗi lặp đi lặp lại trong chương trình dự báo thời tiết "từ nay" (thay vì phải "từ giờ/lúc này"), khán giả truyền hình còn rất khó chịu trước nhiều dạng lỗi khác của nhà đài: "khách quan" thay vì "quan khách", "tàu ngầm" thay vì "tàu điện ngầm", "căn hộ hai ngủ" thay vì "căn hộ hai phòng ngủ", "vỡ òa thất vọng" (thực tế "vỡ òa" chỉ sử dụng diễn tả trạng thái tích cực, vui sướng), "cắt tóc miễn phí cho xe ôm" thay vì "cho người chạy/lái xe ôm"...
2. Việc "phá" tiếng mẹ đẻ kinh khủng nhất có lẽ phải kể đến các clip quảng cáo phát ra rả suốt ngày đêm trên các kênh truyền hình nước nhà.
Trước đây, mục "Tiếng nước tôi" đã nêu nhiều khán giả phản ứng với clip quảng cáo một thực phẩm chức năng "Giữ cho giọng nói trong sáng hơn", bởi tiếng Việt chỉ viết/nói "câu văn/đoạn văn trong sáng", còn giọng nói thì chỉ có thể là "trong trẻo"!
Tuy nhiên, hiện tại không chỉ những mẩu quảng cáo sai tiếng Việt ấy vẫn cứ phát, gần đây còn xuất hiện nhiều clip quảng cáo thực sự làm méo mó tiếng Việt hơn thế.
Theo Từ điển tiếng Việt thông dụng của Nhà xuất bản Giáo Dục năm 2002 thì từ "mượt" là "bóng, mềm mại trên bề mặt" (đối tượng là dạng chất rắn sờ được, nhìn thấy) như "Mái tóc bóng mượt", "con mèo này lông rất mượt"...
Trong khi đó, lời thoại quảng cáo một loại bia (thức uống, dạng lỏng) lon cao cứ "nổ bừa": "Êm mượt chưa từng có", "êm mượt đỉnh cao", "êm mượt đến tận khẩu vị"...!
Cũng "xuyên tạc tiếng Việt" kiểu ấy, clip quảng cáo một loại dầu gội đầu lại cho nữ nhân vật than: "Đang vui thì ngứa liên hồi", dù "liên hồi" theo từ điển nói trên là: "Liên tục từ hồi này sang hồi khác", ví dụ như "đánh trống liên hồi", "pháo nổ liên hồi".
Tình trạng làm sai khác, lệch chuẩn tiếng Việt trên truyền hình có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể nổi lên tình trạng các đài tuyển người nổi tiếng trong giới showbiz (trong đó lại có những người bị hổng kiến thức tiếng Việt) làm người dẫn chương trình.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự dễ dãi, thậm chí cẩu thả ở khâu biên tập, thẩm duyệt tin bài, phim ảnh...
Hậu quả việc dùng sai, phát ngôn sai tiếng Việt trước hết gây khó chịu cho khán giả nhưng nguy hại hơn là làm "những tờ giấy trắng" trẻ em nhận thức sai, bắt chước sai. Phải chăng, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện những câu văn của học sinh từng gây xôn xao xã hội, kiểu như: "Nhà em có nuôi một ông nội..."?
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()