Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 15:21 (GMT +7)
Tự bảo vệ mình trước tội phạm sử dụng công nghệ cao
Thứ 4, 15/01/2025 | 10:30:37 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau; có những vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Trước tình trạng này, lực lượng Công an đã và đang tập trung triệt phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp góp phần giữ an toàn, lành mạnh trên hệ thống mạng tại Việt Nam. Các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh cũng có nhiều giải pháp tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Đồng thời, phát đi nhiều cảnh báo cho nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền, phòng ngừa. Trong năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai Chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng”. Các ngân hàng đều triển khai các giải pháp bảo vệ khách hàng như yêu cầu xác thực sinh trắc học khi chuyển khoản số tiền trên 10 triệu đồng; tăng cường bảo mật cho người dùng…
Thế nhưng, do sự chủ quan và thiếu cảnh giác, đề phòng của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đã khiến cho các đối tượng phạm tội vẫn có thể dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin từ Công an tỉnh, năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp. Trong năm, lực lượng Công an tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 68 vụ việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (tăng 20% về số vụ so với cùng kỳ năm 2023), tổng số tiền bị chiếm đoạt là trên 160 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023).
Tuy nhiên, Công an tỉnh cũng nhận định số liệu trên chỉ phản ánh một phần thực trạng của tình hình vì thực tế còn nhiều nạn nhân bị lừa đảo nhưng không trình báo đến cơ quan Công an do số tiền bị chiếm đoạt có giá trị nhỏ khiến người dân e ngại trong việc trình báo. Một số người dù bị lừa đảo nhưng cũng không trình báo bởi tâm lý ngượng ngùng, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của bản thân hoặc có tâm lý bi quan về khả năng thu hồi được số tiền đã bị chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, phổ biến là: Tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng; làm quen, kết bạn rồi mời gọi tham gia đầu tư tài chính, tiền ảo; giả danh cán bộ Công an, Kiểm sát, Tòa án gọi điện đe dọa rồi dẫn dụ để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân; chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội rồi nhắn tin vay tiền người thân, bạn bè; giả danh cán bộ cơ quan nhà nước dẫn dụ cài đặt ứng dụng giả mạo để chiếm đoạt tài sản…
Mới đây, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cũng cảnh báo về một số thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng như là giả danh nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản; giả nhân viên điện lực yêu cầu cài ứng dụng trên điện thoại rồi chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng; giả danh nhân viên các công ty chứng khoán lớn như Vndirect, SSI, VPS... gọi điện mời chào người dân tham gia khóa học đầu tư chứng khoán hoặc gửi đường link lạ qua Telegram để chiếm quyền sử dụng tài khoản của nạn nhân, sau đó dụ dỗ người thân, bạn bè của nạn nhân tham gia các sàn chứng khoán ảo…
Thực tế cho thấy, phần lớn các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng đều đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác cùng sự tham lam của nạn nhân. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, chúng đều có những hình thức dẫn dụ, mục đích là lấy lòng tin để đánh cắp thông tin người dùng, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chính vì thế, mỗi người dân phải biết bảo vệ mình trước sự gia tăng lừa đảo trực tuyến bằng cách nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.
Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()