Tất cả chuyên mục

“Trong cuộc đời mỗi con người đều có những kỷ niệm buồn vui về những năm tháng tuổi trẻ để mà nhớ, mà thương và nó được lưu giữ mãi trong ký ức cuộc đời bác ạ”. Hà Văn Đệ nói với tôi như thế trong ngày gặp nhau sau gần bảy năm xa cách, mỗi người theo một “phương trời” riêng, nên ít có điều kiện gặp nhau...
Đệ sinh năm 1948 ở thôn Giữa, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông con nên Đệ bỏ học sớm. Rồi năm 1968, cái tuổi hai mươi đầy sức trẻ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ, làm người lính đặc công nước thuộc Trung đoàn 126, Bộ Tư lệnh Hải quân.
Tôi và Đệ đã có 7-8 năm cùng “chung một chiến hào” trong công việc quản lý bảo vệ rừng, xây dựng vốn rừng cấp nhà nước ở huyện đảo này. Năm 1976 sau khi giải ngũ anh về quê công tác tại Hạt kiểm lâm huyện Vân Đồn, rồi anh được đề bạt làm Hạt trưởng. Đến năm 2000 thì anh nghỉ hưu trước tuổi...
Mùa xuân này tôi đến thăm anh. Điều mà tôi rất đỗi vui mừng là đơn vị đặc công Bộ Tư lệnh Hải quân đã nhớ đến anh - người được mệnh danh là “con rái cá” bất tử trên dòng sông Cửa Việt. Họ đã trao tặng 50 triệu đồng để địa phương làm lại ngôi nhà mới cho vợ chồng anh. Vì ngôi nhà cũ đã quá dột nát và chật hẹp không đủ chỗ ở cho vợ chồng và bốn đứa con. Nhìn “con rái cá” ngày nào đã từng quẫy mình trên dòng sông Hiền Lương ở chiến trường Quảng Trị mà lòng tôi rưng rưng đầy xúc động và thương mến. Vẫn nụ cười hiền khô, với giọng nói miền Đông nhỏ nhẹ, đôi mắt sáng, nhanh nhẹn đầy nghị lực của một thời tuổi trẻ xông pha chiến trận đã làm nên những chiến công vang dội. 7 năm đời lính, Đệ tham gia ba chiến trường: Đường Chín Nam Lào, chiến dịch Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh. Đệ nói với tôi: - Cuộc đời binh nghiệp của em là lấy đêm làm ngày, là chân đất đầu trần, mặc quần đùi và nhiều lúc không manh áo che thân nữa...
Sáu tháng sau khi vào lính anh đã tham gia trận đánh đầu tiên ở chiến trường Quảng Trị. Đó là đêm 20-10-1968, tổ tam tam của Đệ đã bắn chìm một tàu vận tải LCU của Mỹ nguỵ tại thôn An Lạc Đông Hà. Rồi đêm 22-12-1968 cũng tại thôn An Lạc tổ anh lại bắn chìm một tàu chiến nữa. Tập thể và hai cá nhân được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, trong đó có anh.
Bước vào năm thứ hai của đời quân ngũ, Đệ tham gia chỉ huy phân đội 3. Mười lần đánh địch tại dòng sông Cửa Việt Đông Hà. Đó là đêm 19-3-1969 tổ ba người do Đệ chỉ huy đã dùng B41 bắn chìm 4/6 tàu chiến của địch tại ngã ba Đại Độ Sơn. Đêm 12-11-1969 bắn chìm một tàu vận tải LCU ở Cồn Tùng. Tiếp đến đêm tháng 12-1969 tổ trinh sát 4 người do Đệ chỉ huy đã dùng 60 cân thuốc nổ C4 bắn chìm một tàu chiến địch, anh và đơn vị lại được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Năm 1970 Đệ tham gia chiến đấu và trực tiếp chỉ huy 15 trận đánh. Đêm 1-1-1970 tổ trinh sát ba người của Đệ đã chở 100 cân thuốc nổ C4 đột nhập vào Đại Độ để 4 hôm sau vận chuyển tiếp vào Duy Phiên cất giấu chờ thời cơ. Đến đêm 3-3, đơn vị dùng 60 cân thuốc nổ đánh chìm 2 tàu chiến địch tại ngã ba Đại Độ. Bốn cá nhân và phân đội Đệ được thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Đến 6-4-1970 tổ trinh sát ba người do Đệ chỉ huy đã dùng 40 cân thuốc nổ còn lại đánh chìm 1 tàu chiến nữa cũng ở ngã ba sông Đại Độ. Đến tháng 6-1970 trên đoạn sông Vinh Quang Thượng, Đệ chỉ huy phân đội đánh chìm 2 tàu chiến địch - “Những chiến thắng thật đáng nhớ, nhưng những thất bại cũng chẳng thể nào quên được” - Đệ ngưng lại giây phút, đôi mắt anh ngấn lệ. Rồi anh kể: “Cay đắng nhất là trận 30-4-1970 Đệ chỉ huy 8 đồng chí mang 45 cân thuốc nổ từ sông con ra sông cái thì bị địch phục kích. Hai đồng đội bị thương nặng, một người hy sinh giữa sông. Rồi để chuẩn bị cho chiến trường Do Linh, Bến Ngự, tổ trinh sát của Đệ (gồm Minh, Bạo, Hùng và anh nằm vùng đến gần tháng trời để nắm tình hình địch. Chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy mà đến đêm 4-12-1970 Đệ dẫn đơn vị vào ngã ba Đại Độ thì vướng mìn của địch, hai đồng chí bị hy sinh là Nguyễn Văn Đẳng, chính trị viên quê ở Vân Đồn và đồng chí Duy, quê ở Hà Tĩnh, chỉ lấy được xác về chôn cất.
Bước vào năm 1971 là những năm tháng gay go quyết liệt nhất. Cấp trên cho biết địch sẽ tái chiếm Quảng Trị. Chúng tập trung 45.000 quân, trong đó có 10.000 quân Mỹ, 1.500 máy bay, (800 máy bay lên thẳng), 600 xe tăng, 300 khẩu đại bác và hàng trăm tàu chiến của Giang đoàn 11-12. Địch chốt khắp mọi nơi. Tàu chiến ngược xuôi như mắc cửi trên sông. Pháo sáng, đèn pha, ba lớp hàng rào kiên cố có đủ loại mìn vướng nổ... Đệ là người được trung đoàn giao nhiệm vụ chọn 10 người quả cảm đánh địch ở ngã ba sông Đại Độ để uy hiếp địch. Đêm 2-2 và 8-2-1971, tại đoạn Vinh Quang Thượng, tiểu đội Đệ đã đánh chìm 1 tàu chiến và 2 tàu vận tải LCU. Đơn vị và Đệ đã được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Nối tiếp chiến công, đêm 9-3 Đệ và Nguyễn Văn Cử đã chỉ huy phân đội đánh chìm 4 tàu chiến địch ở đoạn Bắc Vinh Quang Thượng, 10 cá nhân và đơn vị được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Rồi đêm 20-3-1971 Đệ và Tô Tiến Tặng đánh chìm 2 tàu chiến địch ở đoạn sông Vinh Quang Hạ. Tiếp đến đêm 26-3 Đệ và Nguyễn Quốc Hà chỉ huy đánh chìm 3 tàu vận tải trên sông Vinh Quang Thượng. Tập thể và 12 cá nhân được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba...
Hà Văn Đệ - Con rái cá trên sông Cửa Việt - Đông Hà xứng đáng là người con anh hùng của trung đoàn 126 Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam. Dẫu năm tháng có qua đi nhưng chiến công của anh và các đồng đội vẫn còn mãi trong lịch sử chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta!
Ý kiến ()