Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:27 (GMT +7)
Từ “chỉ điểm” đến “công ty gia đình”
Thứ 2, 25/12/2006 | 00:43:04 [GMT +7] A A
Từng có chuyện mà báo chí phản ánh, vợ của một cán bộ công an của tỉnh nọ mở cây xăng trên tuyến quốc lộ, thế là cánh lái xe đều biết phải hành xử như thế nào.
Chuyện bác sĩ khám bệnh, kê đơn rồi “chỉ điểm” cho bệnh nhân mua thuốc chỗ nọ, chỗ kia để hưởng hoa hồng tưởng đã là chuyện ghê gớm. Song đấy chưa đáng kể so với các cán bộ, công chức “chỉ điểm” bằng cách “ngầm ý” nên chọn các nhà thầu khi mua sắm trang thiết bị, hoặc đầu tư xây dựng bằng tiền Nhà nước. Việc đấu thầu nhiều khi chỉ là “lá bài” để che chắn những “cam kết ngầm”. Những món hoa hồng này không nhỏ và người nhận luôn được “sạch sẽ”.
Không dừng ở việc “chỉ điểm” mà nay hiện tượng “công ty gia đình” đã xảy ra. Báo chí tuần qua đã phản ánh Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) có hiện tượng làm ăn không minh bạch với các đối tác mà người đứng đầu của mối làm ăn này đều là vợ, chồng, con cái, họ hàng.
Có tình trạng, thay vì tìm bạn hàng, đối tác, thể hiện minh bạch những cam kết hợp tác, thì một bộ phận những nhân vật có thế lực của doanh nghiệp này ngấm ngầm “đẻ” ra đối tác. Vì thế giá thành sản phẩm không giảm, chất lượng dịch vụ không cao, lợi nhuận công khai thấp, nhưng một bộ phận thao túng doanh nghiệp lại thu lợi lớn.
Quan hệ làm ăn giữa các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế sẽ gợi mở những cơ hội hợp tác tích cực, tạo cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển, đồng thời thúc đẩy quy mô và loại hình doanh nghiệp phát triển. Hiện tượng “công ty gia đình” là hậu quả của cách làm ăn không minh bạch, chắc chắn sẽ bị loại bỏ. Cũng như “chỉ điểm”, không chỉ gợi ý, thậm chí là gây sức ép của cán bộ, công chức đối với việc mua sắm, đầu tư bằng ngân sách Nhà nước cũng sẽ bị loại bỏ. Khẳng định như vậy là bởi Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc này.
Liên kết website
Ý kiến ()