Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 19:38 (GMT +7)
Từ chuyện doanh nghiệp bỏ 'trận địa', làm gì để gạo Việt thoát cảnh 'vô danh' trên thị trường thế giới?
Thứ 5, 08/08/2024 | 16:13:14 [GMT +7] A A
Những “trận địa” lớn như thị trường Hoa Kỳ, EU có thể không giúp doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng lớn, song lại có giá trị trong xây dựng thương hiệu gạo.
Tại cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã kể một câu chuyện rất đáng suy ngẫm. Đó là, dù các cơ quan chức năng phải mất rất nhiều công sức để mở cửa các thị trường khó tính cho gạo Việt như thị trường Hoa Kỳ, EU… nhưng nhiều doanh nghiệp lại bỏ lỡ, không mặn mà gì với các “trận địa” này.
Lý giải điều này, “Tư lệnh ngành” Công Thương chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt vẫn thích xuất khẩu đi các thị trường dễ tính, ít đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm, đồng thời sẵn sàng mua với số lượng nhiều. Còn các thị trường khó tính, dù giá cao, song doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao, phải chú trọng từ bao bì mẫu mã đến chất lượng sản phẩm… Điều này có thể là lý do khiến doanh nghiệp “ngại”, không muốn tìm cách xuất khẩu sang các thị trường này, mặc dù gạo Việt Nam đã được cấp phép.
Đầu tiên, phải khẳng định rằng, để mở cửa cho một sản phẩm Việt “danh chính ngôn thuận” bước vào một thị trường nước ngoài không hề dễ dàng. Có những mặt hàng đã mất đến hàng chục năm, với hàng trăm cuộc kiểm tra, từ nguồn đất, nguồn nước, nguồn giống, loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đến màu sắc, hương vị, chất lượng sản phẩm… Kèm theo đó là mồ hôi, công sức của các cơ quan Thương vụ, cơ quan ngoại giao nước ngoài, các Bộ, ngành trong nước. Đặc biệt, không thể không kể đến chi phí rất lớn dành cho các hoạt động này.
Tuy nhiên, nói như Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, khó đến mấy thì các cơ quan chức năng cũng nỗ lực hết sức để làm! Bởi câu chuyện của hạt gạo Việt không chỉ là câu chuyện của bát cơm người nông dân, câu chuyện an ninh lương thực trong nước, mà hơn thế là câu chuyện của thương hiệu Việt Nam - quốc gia đã đi từ đói nghèo, thiếu ăn, phải nhập khẩu gạo, cho đến hiện nay đã trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo, chung tay giải bài toán an ninh lương thực cho cả thế giới.
Chưa kể, hiện hạt gạo Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới, thể hiện ở việc cứ đi thi là có giải. Gạo ST25 đã liên tiếp 2 lần được vinh danh gạo ngon nhất thế giới. Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào với cả thế giới điều đó.
Có chất lượng, có sản lượng, có cả câu chuyện thật đẹp phía sau, chỉ thương hiệu gạo quốc gia là Việt Nam chưa có!
Đây chính là lý do khiến các cơ quan chức năng phải bằng mọi cách, mở bằng được “cánh cửa” dẫn gạo Việt vào các thị trường khó tính. Bởi chỉ khi xuất hiện ở những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… dưới hình hài của những bao gạo 5kg, 10kg, rõ logo doanh nghiệp, rõ xuất xứ từ Việt Nam, gạo Việt mới có được bước đệm hoàn hảo để xây dựng thành công thương hiệu. Đây là những thị trường rất lớn, đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, do đó, nếu đã thành công đưa vào thị trường này, dù sản lượng chưa cao, song gạo Việt Nam sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến. Khi đã biết đến, người tiêu dùng tại các thị trường này cũng không ngại trả giá cao cho sản phẩm.
Trước đây, trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Duy Thuận, cựu CEO của Tập đoàn Lộc Trời đã bật mí về mức giá vô cùng cao của gạo Cơm VietNam Rice khi đưa vào chuỗi siêu thị Pháp. Đó là 4.000 Euro/tấn - cao hơn gấp gần 10 lần giá xuất khẩu bình quân của gạo Việt Nam. Sau khi giới thiệu thành công tại chuỗi siêu thị Pháp, gạo Cơm VietNam Rice cũng thường xuyên rơi vào tình trạng “cháy hàng” nhờ nhu cầu rất cao của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp làm được như Lộc Trời không nhiều. Trong khi đó, đôi khi, những câu chuyện như bỏ thầu giá thấp bị các cơ quan phanh phui, lại trở thành những “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến hình ảnh của hạt gạo Việt.
Rõ ràng, gạo Việt Nam chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, song việc xây dựng thương hiệu chưa bao giờ là đơn giản.
Nhìn vào bài học từ Lộc Trời, có thể thấy, để xây dựng được thương hiệu gạo, đó là cả một câu chuyện dài và chắc chắn tốn không ít chi phí. Tuy nhiên, thương hiệu là một giá trị vô hình mà nhờ đó, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm. Thương hiệu cũng là một giá trị vô hình để khẳng định vị thế của sản phẩm với hình ảnh quốc gia trên thị trường.
Dù quá trình xây dựng thương hiệu không dễ, song chắc chắn trên hành trình đó, doanh nghiệp không đơn độc. Các cơ quan chức năng đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong mở cửa thị trường. Trên hành trình xây dựng thương hiệu, các chương trình như Thương hiệu Quốc gia, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia cũng đang đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, mới đây, hai “Tư lệnh ngành” Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức cuộc họp công khai để xin ý kiến về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia và nhận được sự đồng thuận rất cao. Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ là đơn vị hoạch định, tham mưu những chính sách lớn, tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh, vấn đề ngoại giao và cả xây dựng hình ảnh của ngành hàng lúa gạo cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững.
Như vậy, “bàn đạp” đã có. Chỉ cần doanh nghiệp không rời bỏ “trận địa”, chắc chắn, câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo sẽ dễ dàng hơn. Hạt gạo Việt sẽ thoát cảnh “vô danh” trên thị trường thế giới.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()