Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:50 (GMT +7)
Giá gạo giảm chỉ là xu hướng ngắn hạn
Thứ 6, 26/07/2024 | 10:32:21 [GMT +7] A A
Theo dự đoán giá gạo sẽ hồi phục trong thời gian tới khi dịp cuối năm nhu cầu nhập khẩu gạo thường cũng tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam.
Triển vọng thị trường gạo châu Á
Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam hiện đang ở mức 559 USD/tấn, giảm hơn so với thời điểm đầu năm. Sau thời gian dài tăng trưởng về giá thì giai đoạn điều chỉnh giảm này của gạo Việt Nam nằm trong xu hướng giảm chung của giá gạo thế giới.
Theo các chuyên gia quốc tế, khi triển vọng nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ được củng cố, nguồn cung dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, kéo theo đó giá gạo ở châu Á có khả năng hạ nhiệt vì Ấn Độ vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Ấn Độ đang xem xét cho phép xuất khẩu gạo trắng với mức thuế cố định. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng có thể bãi bỏ mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ và áp dụng mức thuế cố định để ngăn chặn việc lập hóa đơn thấp cho hàng hóa.
Các chuyên gia nhận định động thái của Ấn Độ nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu, giúp hạ nhiệt giá gạo châu Á, vốn đã đạt mức cao nhất trong hơn 15 năm vào tháng 1 và giữ ở mức cao lịch sử kể từ đó. Đây sẽ là tin tốt cho một số quốc gia ở Tây Phi và Trung Đông vốn phụ thuộc vào quốc gia Nam Á này để đáp ứng hầu hết các nhu cầu về lương thực thiết yếu.
Thống kê cho thấy Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục giảm trong tuần qua, trước khả năng nước này có thể nới lỏng hạn chế xuất khẩu, sau khi dự trữ tăng kỷ lục. Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, ở mức 537 - 543 USD/tấn trong tuần qua, giảm so với mức 539-545 USD/tấn của tuần trước đó.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống mức 570 USD/tấn, mức thấp nhất trong 8 tháng qua, so với mức 570-575 USD/tấn của tuần trước.
Đảm bảo nguồn cung ổn định
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu về gạo của các nước trên thế giới hiện nay vẫn ở mức cao và chúng ta vẫn có thể thúc đẩy xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm. Còn theo kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thì điều quan trọng các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng là đảm bảo chất lượng gạo, duy trì phong độ xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: "Có thể nói là hiện nay giá gạo có điều chỉnh giảm, tuy nhiên vẫn ở mức tương đối cao. Các doanh nghiệp của chúng ta vẫn phải luôn luôn sẵn sàng để chuẩn bị cho mọi tình huống. Yếu tố quan trọng ở đây là vẫn phải đảm bảo duy trì được chất lượng gạo giữa các lô hàng.
Thứ hai là chúng ta cũng phải đảm bảo yếu tố cạnh tranh, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo. Vì điều đó cũng sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến một doanh nghiệp, mà có thể nói rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của chúng ta".
Doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu gạo khởi sắc cuối năm
Việc giá gạo xuất khẩu điều chỉnh ở thời điểm này giúp doanh nghiệp chủ động và thu mua thóc được dễ hơn. Theo dự đoán giá gạo sẽ hồi phục trong thời gian tới khi mà dịp cuối năm nhu cầu nhập khẩu gạo thường cũng tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam.
Tính đến đầu tháng 7, các địa phương thu hoạch được khoảng gần 390.000 ha trên hơn 1,4 triệu ha đã xuống giống vụ hè thu, năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha. Nguồn cung dồi dào luôn là trợ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, Tập đoàn Tân Long sẽ phải đẩy mạnh xuất khẩu trên 400.000 tấn gạo để hoàn thành mục tiêu năm. Những tín hiệu tích cực từ hai đối tác truyền thống là Indonesia và Philippines cũng đã củng cố động lực hoàn thành kế hoạch trên.
Nhận định nhu cầu nhập khẩu gạo từ thị trường thế giới từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều, nên đại diện doanh nghiệp cho biết, thời điểm này là cơ hội để họ có thể mua được thóc từ bà con nông dân với giá tốt
"Khi có lượng trong tay thì chúng tôi mới chào bán. Như vậy, mới giảm thiểu rủi ro khi mình bán trước mà chưa có chân hàng…", anh Lê Anh Nam - Trưởng Phòng Xuất khẩu gạo, Công ty CP Tập đoàn Tân Long cho hay.
Thời điểm từ đầu tháng 7, Công ty Nhật Minh (TP Cần Thơ) thường xuyên đóng công xuất khẩu mỗi ngày khoảng 150 tấn gạo. Giá bình quân gạo 5% tấm là 600 USD/tấn và loại 25% tấm là 544 USD. Dù còn thấp hơn 50 USD/mỗi tấn so với đầu năm, nhưng so với cùng kỳ, mức giá này đã tăng khoảng 30% đến 35% và vẫn chưa dừng lại.
Ông Nguyễn Văn Nhật - Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật cho biết: "Các quốc gia như Philippines, Indonesia và một số quốc gia khác thì nhu cầu nhập khẩu của họ cho tiêu dùng trong nước khá ổn định ở mức cao. Hàng năm riêng 2 quốc gia này có thể nhập khẩu 4 - 5 triệu tấn. Tôi nghĩ rằng nhu cầu này trong thời gian dài nó cũng sẽ ổn định".
Cơ hội xuất khẩu cho gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm còn đến từ thị trường Trung Quốc, vì thời điểm cuối năm thường gia tăng nhu cầu từ thị trường tỷ dân này. Các doanh nghiệp đã có thêm nhiều khách hàng đàm phán nhập khẩu gạo 5% tấm với giá từ 570 USD/1 tấn
Ông Nguyễn Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết: "Chúng tôi cũng cố gắng đàm phán với giá tốt nhất để cho doanh nghiệp và nông dân có lãi nhiều".
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 3 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng hơn 10% về lượng và 32% về giá trị. Nhiều doanh nghiệp tin tưởng khả năng đến hết năm nay, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()