Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 03:32 (GMT +7)
Từ chuyện ở Đông Ngũ, Quảng Tân...
Thứ 4, 29/08/2012 | 01:08:10 [GMT +7] A A
“Nuôi thưa để tôm không bị sống chật chội. Nuôi ít nhưng đảm bảo chất lượng vì nuôi nhiều phải cho ăn nhiều, lượng thức ăn dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước dẫn tới dịch bệnh” - đó là những chia sẻ của nông dân Đặng Anh Tuấn, thôn Xá Xế Nam, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên. Thực ra, những điều anh Tuấn nói ở trên là sự làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Và, anh đã thực hiện đúng như thế. Đó cũng là một trong những lý do để 4 năm nuôi tôm của gia đình anh Tuấn chỉ có bội thu.
Không chỉ riêng gia đình anh Tuấn mà đây chính là con đường làm giàu bền vững của cả xã Đông Ngũ. Nghề nào cũng được phát triển một cách chừng mực, không ồ ạt chạy theo phong trào. Nói như Chủ tịch Hội Nông dân xã Chíu Chìu Sằn thì: Người nào việc nấy.
Chính vì thế mà, không phải thấy một vài nhà nuôi tôm thành công như gia đình anh Tuấn thì cả xã đổ xô đi nuôi tôm. Mỗi ngành nghề tương thích với sự phát triển của địa phương đều được hình thành theo nhóm. Ví như có nhóm trồng nấm linh chi, nhóm tham gia mô hình trồng dưa leo hay nhóm tham gia dự án nuôi gà Tiên Yên....
Trên đây là cách làm của Đông Ngũ. Còn ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà bà con nông dân nơi đây cũng rất nhạy bén với thị trường để từ đó có hướng phát triển sản xuất hiệu quả. Cụ thể, đó là những mô hình trồng cây trái mùa vụ như ổi vụ chiêm, nhãn chín muộn, cam trái mùa... Chính từ sự đặc biệt này mà khi ổi vụ mùa xuống giá (có thời điểm 3.000 đồng/kg) thì nông dân Nguyễn Minh Thuỷ, thôn Tân Hợp, xã Quảng Tân ung dung chăm bón cây thật tốt đợi thu hoạch vào vụ chiêm với giá bán tại vườn đã là 13.000 - 18.000 đồng/kg.
Từ các mô hình nói trên khiến ta nhớ đến sự thất bại của cây vải Đông Triều, hay gần đây nhất là con tu hài ở Vân Đồn... Nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là bài học về sự phát triển tràn lan, chỉ nhìn cái lợi trước mắt mà thiếu sự tính toán, cân nhắc lâu dài. Nhìn rộng ra, đây không chỉ là “bài toán” đối với người nông dân mà đòi hỏi mỗi địa phương phải có quy hoạch phát triển cụ thể cùng sự tham gia tích cực của các cán bộ chuyên môn. Có như vậy mới thực sự tạo ra lợi ích kép. Đó là, nông dân yên tâm làm giàu, địa phương phát triển kinh tế bền vững.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()