Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 03:07 (GMT +7)
Từ công nhân trở thành quý ông hát, được phong NSND
Thứ 5, 07/12/2023 | 07:38:39 [GMT +7] A A
Xuất thân từ công nhân nghành than, từng làm qua những nghề tay chân nặng nhọc như bốc vác, đóng gạch thuê, kéo xe bò... ca sĩ Đức Long từng bước xây dựng được hình ảnh quý ông hát. Đợt này, ông được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND).
Người nghệ sĩ như công nhân quét rác
Ở tuổi 63, trong rất nhiều chương trình ca nhạc lớn nhỏ, ca sĩ Đức Long vẫn dễ dàng chiếm vị trí vedette nhờ giọng ca hiếm có của mình.
Mới đây nhất, trong chương trình Chuyện phố thời bao cấp của Nhà hát Tuổi trẻ, mình Đức Long “cân” cả dàn ca sĩ mới chưa thành danh. Ngoài nội dung đánh đúng tâm lý hoài cổ của khán giả, sự góp mặt của Đức Long và những ca khúc vang bóng một thời được cho là góp phần không nhỏ vào thành công của chuỗi chương trình.
Sau hơn 40 năm theo nghiệp ca hát, tên tuổi Đức Long được đóng đinh với nhiều ca khúc được khán giả yêu thích như Biển nhớ, Bài ca bên cánh võng, Mơ về nơi xa lắm, Hà Nội và tôi... Lần này, ông cùng 77 nghệ sĩ khác được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSND đợt 10.
Ca sĩ Đỗ Đức Long sinh năm 1960 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Ông mồ côi cha mẹ từ khi 8 tuổi và từng làm đủ mọi nghề như đóng gạch thuê, kéo xe bò, bốc vác... để nuôi sống mình và có tiền ăn học. Sau này, ông vào làm công nhân Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai và bắt đầu nhiệt tình tham gia các hoạt động âm nhạc quần chúng của tỉnh. Đức Long được biết đến nhiều hơn khi giành Huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc khu vực I năm 1978 với ca khúc Chiều Hạ Long.
Nhờ việc tỏa sáng trong các cuộc thi ca hát của ngành, ông được các đoàn nghệ thuật chú ý tới. Năm 1982, Đức Long trở thành thành viên Đoàn Ca múa Phòng không - Không quân. Năm 1989, ông chuyển về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Để theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp, Đức Long đăng ký học chuyên ngành Thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Cuộc sống của ông, buồn vui sướng khổ đều gắn với âm nhạc.
Từ năm 1994, nghệ sĩ Đức Long trở thành ca sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn, Đức Long còn tham gia công việc thỉnh giảng ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ông từng đào tạo nhiều thế hệ học trò như Tùng Dương, Minh Thu, Hiền Anh… Năm 2007, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Bên lề live show Đức Long hát, ông chia sẻ: “Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi chính là không được hát, ngoài ra tôi… không sợ gì cả. Ca hát cho tôi nhiều thứ và cũng lấy đi của tôi không ít thứ nhưng tôi hạnh phúc khi được làm nghề và không cảm thấy hối tiếc vì bất cứ một điều gì. Tôi luôn cho rằng nghệ sĩ không phải là ông này bà nọ mà được quyền nọ, quyền kia. Tôi ví người nghệ sĩ như người công nhân quét rác. Anh muốn người ta yêu mến mình thì đoạn đường này ngày nào cũng phải quét sạch, chứ 'một nhát đến tai, hai nhát đến gáy' thì sẽ chẳng ai yêu mình cả”.
Nói thêm về chương trình này, đây là một show lớn có thể nói là “để đời” của Đức Long, được tổ chức khi dịch bệnh vừa hết. Bạn bè, khán giả đều cho rằng Đức Long tự bỏ tiền làm show là mạo hiểm khi thị trường âm nhạc chưa hoàn toàn bị phá băng do dịch bệnh. Nhưng Đức Long sau khi đã trải qua nhiều xáo trộn vì dịch bệnh vẫn quyết tâm làm với suy nghĩ: "không ai có thể nói trước được ngày mai".
Khán giả không phụ lòng ông, toàn bộ vé bán hết ngay sau chưa đầy một ngày thông báo. Sự thành công về mặt nghệ thuật của show diễn khiến nhiều người lúc ấy còn ngạc nhiên: Tưởng là Đức Long được NSND lâu rồi!
Vẫn lẻ bóng sau hôn nhân đổ vỡ
Cháy hết mình trên sân khấu, nghệ sĩ Đức Long vẫn lẻ bóng trong cuộc sống riêng tư. Dù vậy, ông cho rằng được toàn tâm toàn ý với nghệ thuật đã là điều quá mãn nguyện và may mắn. "Tôi được khán giả trong nước và hải ngoại yêu mến. Tôi đã cảm thấy hạnh phúc rồi. Vậy nên nếu có tình yêu nào lớn hơn thì tôi không gánh nổi" - ông chia sẻ.
Đức Long lấy vợ muộn nhưng lại độc thân sớm. Sau năm năm hôn nhân, hai người chia tay trong hòa bình.
Về nguyên nhân tan vỡ, ông cho biết: “Vì nhiều lý do, cuộc sống vợ chồng tôi cứ mỗi ngày một nhạt nhẽo đi. Có khi cả ngày hai người không nói với nhau một câu, dù chẳng có chuyện gì xích mích. Đến giai đoạn cuối, tôi trở về nhà, hai người nhìn nhau như hai người xa lạ. Việc của ai người nấy làm, không liên quan gì đến nhau. Tôi nghĩ nếu cứ như thế này thì là sống một mình chứ có phải là có gia đình đâu. Tôi cũng đấu tranh ghê lắm nhưng rồi chuyện gì đến đã phải đến. Chúng tôi ra tòa mà đến giờ vẫn không hiểu lý do là tại ai”.
Hiện vợ cũ của Đức Long đã chuyển vào TPHCM sống. Hai người vẫn đối xử với nhau thân tình như những người bạn. Thỉnh thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm nhau.
Nói thêm là cho đến hiện tại, sau mấy chục năm ca hát, hiện ca sĩ Đức Long vẫn đang sống trong căn nhà khá nhỏ nằm trên đường Lê Duẩn, không có xe sang và cũng chẳng có của để dành gì đặc biệt.
Ông kết luận: “Tôi đã trải qua nhiều nỗi khổ nên thấu hiểu tất cả nỗi cùng cực trên đời. Bù lại, cũng không ai sướng bằng tôi. Trong số các ca sĩ dòng nhạc tiền chiến, tôi là người được đi nhiều nhất, đến nhiều nước nhất. Vì thế mà đôi khi ngẫm nghĩ, tôi thấy con người ta nên biết tự bằng lòng với những gì mình có”.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()