Cabinext là một trong những thiết bị hỗ trợ nhà nông hiện đại hóa quy trình chăn nuôi, phát triển bởi Công ty TNHH Tép Bạc - Quán quân Startup Việt 2020. Ông Trần Duy Phong - CEO Tép Bạc cho biết chuyển đổi số đang là xu thế của thế giới. Đặc biệt trong ngành thủy sản, công nghệ và ứng dụng AI giúp tối ưu hiệu quả chăn nuôi quy mô lớn.
Theo ông Phong, một trong những khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm là việc quản lý các thiết bị cộng thêm thời tiết thất thường, chi phí điện, cháy nổ, rủi ro máy móc không ổn định, nhân công...
Từng trực tiếp đến khảo sát các vùng nuôi tôm, ông Phong cho biết có những ao tôm lắp đặt dây điện khá nhiều và rối, thiếu tính an toàn khi trời mưa, sửa chữa hoặc sử dụng hàng ngày. Chưa hết, hệ thống điện cũng chưa được lắp đặt thống nhất nên việc quản lý khá khó khăn. Cộng thêm thói quen tự mua thiết bị theo lời truyền miệng, tự lắp đặt khi chưa hiểu rõ thông số kỹ thuật, dẫn đến tình trạng sử dụng không hiệu quả, có nguy cơ cháy nổ, tốn kém chi phí...
Để giải quyết các khó khăn đó, Tép Bạc đã tích hợp nhiều công năng vào trong sản phẩm Tủ điện Cabinext.
Điều khiển từ xa và tự động hóa
Sản phẩm được thiết kế dựa trên nhu cầu của người nuôi tôm cá. Tùy theo nhu cầu, người dùng có thể kết nối tủ để điều khiển máy bơm, quạt, sục khí, máy cho ăn, đèn... Sau khi đấu nối thiết bị, người dùng tải thêm ứng dụng Famext để thực hiện thao tác điều khiển bật, tắt thiết bị trong ao từ xa.
Ứng dụng Farmext có giao diện thân thiện, dễ dùng. Chức năng phân quyền giúp chủ nông trại tùy chọn tự quản lý hoặc cấp quyền cho nhân viên.
Tủ điện Cabinext có 3 chế độ: bật thủ công, tắt thủ công và tự động. Ứng dụng cũng tự đồng bộ trạng thái của tủ hay lưu lại lịch sử bật, tắt thiết bị để tiện theo dõi.
Một tính năng hữu ích khác trên Farmext là hẹn giờ bật, tắt thiết bị, giúp tiết kiệm chi phí tiền điện và công sức. Người nông dân cũng không cần nửa đêm đặt báo thức để tắt các loại máy móc. Chế độ này giúp chủ trại quản lý mô hình chăn nuôi chuyên nghiệp, dễ dàng kể cả trong phạm vi lớn.
Điều chỉnh thiết bị theo chỉ số môi trường nước
Dựa trên công nghệ quan trắc điện hóa tiên tiến và vận hành trên nền tảng IoTs - Internet kết nối vạn vật, khi tích hợp Cabinext cùng máy đo môi trường Envisor (một sản phẩm sắp ra mắt của Tép Bạc), tủ có khả năng điều chỉnh thiết bị dựa trên cảm biến môi trường từ máy đo.
Ví dụ khi máy đo quan trắc nhận thấy lượng oxy trong ao đang thấp, bộ phận cảm biến môi trường gửi thông tin qua tủ, tủ sẽ tự động bật quạt, tránh xảy ra rủi ro tôm chết ngạt do thiếu oxy.
Bảo vệ thiết bị, gửi cảnh báo đến người dùng
Tủ có khả năng tránh hư hỏng thiết bị khi gặp sự cố về điện, tránh quá tải nhờ có rờ-le nhiệt bảo vệ. Rờ-le nhiệt được lựa chọn phù hợp với công suất các thiết bị trong ao nuôi tôm cá. Đồng thời CP cũng được gắn riêng mỗi thiết bị, khi quá tải thì CP sẽ tự động tắt để bảo quản, tránh ảnh hưởng các máy móc khác.
Suốt quá trình sử dụng, người sẽ nhận được tin nhắn thông báo khi thiết bị bật, tắt bằng ứng dụng hoặc bằng tay hay trường hợp tủ Cabinext mất Wifi. Điều này giúp người dùng dễ dàng kiểm soát được tình trạng tủ và thiết bị trong ao nuôi ngay cả khi smartphone không có kết nối mạng.
"Chẳng hạn khi bạn đang không ở gần ao, điện thoại không kết nối mạng, bất chợt có người nào đó tắt đi một thiết bị ao nuôi thì bạn vẫn nhận được thông báo qua SMS và kịp thời xử lý", ông Phong nói.
Dễ sử dụng, tuổi thọ trên 5 năm
Thời gian lắp đặt tủ tại ao chỉ mất hai tiếng cùng 1-2 nhân lực khi ao nuôi trong điều kiện đầy đủ nhất. Sau khi cài đặt cấu hình mạng hoặc Wifi cho tủ, Tép Bạc sẽ cung cấp tài khoản, mật khẩu để đăng nhập, người dùng chỉ cần chọn tủ, đặt tên cho thiết bị là có thể sử dụng.
Tủ làm từ chất liệu nhựa ABS cao cấp, chống nước, chống ẩm, chống rỉ sét, giúp bảo quản các thiết bị bên trong trước thời tiết khắc nghiệt và môi trường nuôi thủy sản (mưa nắng, nồng độ muối trong không khí cao dễ gây hư hỏng tủ). Ngoài ra linh kiện được nhập các thương hiệu uy tín từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu với độ bền cao.
"Tép Bạc hướng đến mục tiêu sản xuất thiết bị với tính năng hiện đại và giá cả hợp lý, chọn nguyên liệu tốt nhất trong khả năng để mang đến người dùng, từ đó giúp người nông dân tiết kiệm thời gian ra ao lẫn chi phí nhân công, nuôi tôm nhàn, bán giá hời", ông Phong nhấn mạnh.
Hiện nay, ứng dụng Farmext và tủ điện Cabinext đã được thử nghiệm tại các trại nuôi ở Cà Mau, Cần Giờ, Đồng Nai... Ngoài ra, Công ty TNHH Tép Bạc còn nhận được sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn để phổ biến nền tảng quản lý trại nuôi từ xa cho bà con nông dân.
Ở tầm nhìn xa hơn, vị CEO cho biết cả thế giới đều chuyển đổi số, ngành thủy sản Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, nỗ lực của Tép Bạc hướng đến giúp người Việt làm chủ thị trường thủy sản của người Việt, giúp nhà nông làm giàu trên chính quê hương mình. Kết hợp cùng công nghệ AI để tự động hóa, khép kín và đơn giản hóa quy trình nuôi thủy sản cho nhà nông, đảm bảo lợi nhuận và đầu ra vững chắc hơn so với trước đây.
Ý kiến ()