Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 16:13 (GMT +7)
Từ “diệt giặc dốt” đến những giải thưởng vươn tầm quốc tế
Thứ 6, 01/09/2023 | 14:25:45 [GMT +7] A A
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thực hiện lời căn dặn ấy của Bác, trong suốt hành trình phát triển, dù ở thời chiến hay thời bình, trải qua những bước thăng trầm, tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng, dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp “trồng người”. Từ một ngành có quy mô nhỏ bé với trình độ lạc hậu trong thời kỳ đất nước mới độc lập, đến nay, GD&ĐT Quảng Ninh đã ở vị trí những tỉnh có nền giáo dục phát triển trong cả nước.
Khi tiếng bom ngừng, tiếng giảng bài, đọc bài lại vang lên
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, sự nghiệp giáo dục mới được chú ý. Ngay năm đầu Cách mạng, phong trào toàn dân đi học đã diễn ra hết sức sôi động. Tiếp đến là cuộc kháng chiến trường kỳ, từ vùng căn cứ du kích đến vùng tạm bị địch chiếm đóng, các lớp bình dân học vụ vẫn liên tiếp được tổ chức. Các ngành học, các cấp học đã đi từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, ngày càng phát triển vững chắc.
Từ phong trào bình dân học vụ mà mục tiêu là xóa nạn mù chữ, trong năm 50, 60 của thế kỷ trước, ở hầu khắp các huyện trong tỉnh cũng đã mở những lớp bổ túc văn hóa.
Ông Bùi Hồng Diệu, nay đã gần 90 tuổi, nguyên là cán bộ Phòng Đào tạo bồi dưỡng, Sở GD&ĐT, từng dạy môn Vật lý ở 14 đơn vị trường học, chia sẻ: Trong những năm Quảng Ninh phải chịu chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cả thầy và trò đều phải sơ tán về các vùng rừng núi. Nhưng dù vậy, việc dạy và học chưa bao giờ dừng lại, các lớp học được tổ chức trong những hang đá, trong những lán trại… Khi tiếng bom ngừng, tiếng giảng bài, đọc bài lại vang lên.
Hơn nửa thập kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày dạy học gian khó vẫn còn vẹn nguyên trong ông Hồng Diệu. Ông Diệu kể lại: Những ngày đó, giáo viên có 2 nhiệm vụ, 1 là dạy phổ thông, 2 là dạy bổ túc văn hóa. Vì thế, tôi cùng nhiều đồng nghiệp ban ngày dạy ở trường phổ thông, tối đến lại dạy bổ túc văn hóa. Dạy bổ túc văn hóa thì thường dạy 3 buổi/tuần, từ 7-10 giờ tối, đường đi lại xa xôi nhưng chúng tôi ai nấy đều dạy rất tích cực, trách nhiệm. Học sinh cũng rất cần cù chịu khó. Tôi thấy rằng, bao nhiêu năm qua, dù trong khó khăn hay đã đổi mới thì sự nghiệp “trồng người” luôn được tỉnh quan tâm, đầu tư. Đó là may mắn của học sinh Quảng Ninh.
Thắp ánh sáng tri thức tới những bản làng vùng cao
Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn được giải phóng. Từ đó đến nay, giáo dục Quảng Ninh đã phát triển tương đối ổn định, không có sự gián đoạn. Công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục được quan tâm. Các lớp xóa mù chữ và sau xóa mù chữ được mở khắp nơi.
Bà Nịnh Thị Chắn, thôn Ngàn Vàng Giữa, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, dù tuổi đã cao nhưng từng là một trong số những học viên rất tích cực học xóa mù chữ. Bà Chắn chia sẻ: Biết tin xã mở lớp xóa mù chữ là tôi đăng ký học ngay. Ban ngày đi làm nương, tối đến học chữ ở nhà văn hóa. Các thầy, cô giáo dạy tận tâm, nhiệt tình nên tôi nhanh biết viết, biết đọc lắm. Giờ ai cũng biết đọc, viết, tính toán, mình không biết thì lạc hậu lắm.
Chỉ sau vài tháng học chữ, bà Chắn đã có thể viết tên mình, biết đọc, tính toán thành thạo và viết một số từ đơn giản khi làm các thủ tục hành chính mà không cần điểm chỉ như trước.
Những lớp xóa mù chữ được tổ chức ngày càng nhiều ở các huyện trong tỉnh như: Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà… đã mang ánh sáng tri thức đến với người dân vùng cao. Từ đây, người dân dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin mới, nâng cao hiểu biết, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh.
Huy chương đầu tiên trên đấu trường trí tuệ quốc tế
Sự quan tâm của tỉnh qua các thời kỳ đã giúp cho thầy và trò ngành GD&ĐT Quảng Ninh thêm động lực phấn đấu, đạt thành tích cao qua từng năm. Dấu ấn đặc biệt đối với ngành đó là năm học 1997-1998, Vi Anh Tuấn, SN 1980, cựu học sinh Trường THPT Cẩm Phả đã xuất sắc giành được Huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic quốc tế Hóa học, được tổ chức tại Melbourne, Australia. Đây cũng chính là tấm huy chương đầu tiên mà tỉnh đạt được trên đấu trường trí tuệ quốc tế.
Sau khi đoạt giải quốc tế, chàng trai đất mỏ Vi Anh Tuấn vào thẳng đại học lớp cử nhân khoa học tài năng của Đại học Khoa học tự nhiên và khi tốt nghiệp xong thì ở lại trường công tác. Anh Tuấn cũng đã đạt được học vị Tiến sĩ.
Theo lời kể của Tiến sĩ Vi Anh Tuấn, vào cấp III, anh vốn có năng khiếu học Vật lý nhưng lại được chuyển vào đội tuyển Hoá của thầy giáo Đặng Lộc Thọ, lúc đó đang là Hiệu phó của nhà trường. Thấy anh có tố chất học Hóa, thầy Thọ đã gửi anh học dự thính đội tuyển Hoá học quốc gia năm 1997 ở một trường đại học. Nhờ đó, bước đầu anh Tuấn được tiếp thu kiến thức mới và làm quen với không khí thi cử quốc gia và quốc tế.
Tiến sĩ Vi Anh Tuấn nói: Dù đi đâu làm gì, tôi vẫn luôn nhớ về quê hương Quảng Ninh. Tôi rất biết ơn thầy Thọ, người đã truyền cảm hứng đưa tôi đến với môn Hóa và đạt được những thành tích cao sau này.
Tự tin chinh phục đỉnh núi Olympia
Với bản lĩnh, tự tin, sự khát khao chinh phục các ngọn núi tri thức, tiếp nối thành tích của Vi Anh Tuấn, các thế hệ học sinh Quảng Ninh sau đó liên tiếp đã đạt được nhiều thành tích cao trong học tập, tại các sân chơi trí tuệ quốc gia, quốc tế. Đến nay, Quảng Ninh đã có 3 học sinh là quán quân vòng chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia – một cuộc thi trí tuệ có cạnh tranh cao. Đó là Đặng Thái Hoàng, vô địch năm 2012 và Nguyễn Hoàng Cường, vô địch năm 2018, Nguyễn Hoàng Khánh vô địch năm 2021.
Trong 3 học sinh này, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với Nguyễn Hoàng Cường. Ngay từ những năm cấp 3, Cường có trí nhớ rất tốt, khả năng phản xạ nhanh nhạy dù vẻ bề ngoài, em khá rụt rè, nhút nhát, lại khá ít nói. Theo nhận xét của các thầy cô, Hoàng Cường rất ham mê học hỏi. Sau khi kết thúc giờ học, em thường ở lại trong lớp trao đổi với thầy cô.
Hoàng Cường chia sẻ: Tại cuộc thi chung kết Olympia, em đã đạt được số điểm 240. Cuộc thi cho em rất nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ với nhiều người bạn mới, chung mục tiêu mở rộng và khám phá tri thức. Hiện nay, em vẫn thường xuyên liên lạc với thầy cô và bạn bè ở Quảng Ninh. Em rất biết ơn các thầy cô, những người đã hỗ trợ và giúp đỡ em rất nhiều trong suốt quá trình học tập của em. Không có sự giúp đỡ và hỗ trợ đó thì em đã không nghĩ tới việc đi thi Olympia và có được những thành quả như ngày hôm nay.
Hoàng Cường đi du học từ tháng 2/2020. Em học chuyên ngành Khoa học dữ liệu, Trường Đại học Công nghệ Swinburne, Melbourne, Australia. Dự kiến sẽ tốt nghiệp vào tháng 12/2023. Cường cho biết, sau khi hoàn thành chương trình du học, em sẽ dành thêm thời gian để học lên cao hơn, cũng như là đi làm để tích lũy kinh nghiệm ở nước ngoài. Tương lai em rất mong muốn được trở về Quảng Ninh để làm việc và công tác.
Thế hệ trẻ tự tin, năng động, bản lĩnh, trí tuệ
Hơn chục năm trở lại đây, bên cạnh việc mạnh dạn thử sức ở sân chơi Olympia, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều học sinh Quảng Ninh đã thể hiện được bản thân, tích cực tham gia các hoạt động của trường, đạt được nhiều thành tích cao tại các cuộc thi, kỳ thi trên đấu trường quốc tế.
Lê Quang Minh, lớp chuyên Văn, niên khóa 2021 – 2024, Trường THPT Chuyên Hạ Long là một trong những học sinh tiêu biểu như vậy. Năm học 2021 – 2022, Quang Minh đã cùng nhóm nghiên cứu của mình dành được Huy chương Đồng Kỳ thi Quốc tế về khoa học đời sống – Global Competition for Life Sciences (GLOCOLIS 2021) tại Indonesia với đề tài “Dùng mô hình toán học dể dự báo xu hướng Covid-19 ở các quốc gia Đông Nam Á năm 2021, 2022”. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực hiện trên 5 quốc gia: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Malaysia với tiến trình từ việc nhập số liệu các ca nhiễm trong quá khứ, sau đó sử dụng phần mềm và thuật toán để dự đoán đỉnh dịch. Kết quả cho ra đỉnh dịch khá sát với thực tế, từ đó tiến hành nhập số liệu các ca nhiễm trong hiện tại để nhận được kết quả dự đoán đỉnh dịch trong tương lai.
Chia sẻ thêm về quá trình tham gia cuộc thi, Quang Minh nói: “Cuộc thi GLOCOLIS tại Indonesia là một sân chơi khoa học mang tầm cỡ quốc tế, mọi hoạt động đều phải sử dụng tiếng Anh, trong đó có phần trả lời phản biện. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất đối với chúng em, nhất là trong bối cảnh chúng em dự thi trực tuyến, việc lắng nghe và trả lời câu hỏi phụ thuộc một phần vào chất lượng đường truyền.
Huy chương Đồng Kỳ thi Quốc tế về khoa học đời sống – Global Competition for Life Sciences (GLOCOLIS 2021) không phải là thành tích duy nhất trong lĩnh vực Khoa học mà em Lê Quang Minh đã đạt được. Cũng trong năm học 2021 – 2022, Quang Minh cùng một người bạn đồng hành của mình dưới sự hướng dẫn của cô giáo Trương Thị Hằng đã đạt được giải Ba cấp Quốc gia và giải Nhất cấp tỉnh tại Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học với đề tài: “Hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho học sinh THPT do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”.
Lê Quang Minh còn là học sinh đội tuyển Ngữ Văn, kết quả học tập thường nằm trong top đầu của lớp. Em cũng đã đạt được một số thành tích khác trong học tập như: Giải Khuyến khích cuộc thi An toàn Giao thông cho Nụ cười ngày mai cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2022 – 2023; Giải “Cây bút triển vọng” cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 47 và 48; Giải Ba môn Ngữ Văn trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh năm học 2020 – 2021; Giải Khuyến Khích cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cấp tỉnh năm 2020…
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã chấm dứt chế độ thực dân và phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Từ đó đến nay, lịch sử dân tộc đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều sự kiện, trong đó, giáo dục đào tạo là một sự nghiệp lớn và có nhiều thành tựu đáng tự hào. Từ đó, tạo những mốc son trong công tác “diệt giặc dốt”, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dạy và học, tiến tới tạo một xã hội học tập suốt đời. Các thế hệ nhà giáo, học sinh đã và đang góp phần xây dựng Quảng Ninh ngày một phát triển.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()