Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:00 (GMT +7)
Xây dựng gia đình hạnh phúc thời đại 4.0
Thứ 7, 06/07/2024 | 13:33:09 [GMT +7] A A
Chăm lo xây dựng gia đình "no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" là một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Dù gia đình truyền thống hay hiện đại, "hạnh phúc" luôn là tiêu chí không thể thiếu và được quan tâm đặc biệt. Triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, một trong những nội dung quan trọng là xây dựng gia đình - hạt nhân của sự phát triển, là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, văn hóa và giáo dục nếp sống con người, nhất là thế hệ trẻ.
Gia đình ông Bùi Đỗ Sự (khu phố 2, phường Yên Giang, TX Quảng Yên) có 4 thế hệ, luôn được ghi nhận ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền. Mỗi thành viên trong gia đình, dù trong lứa tuổi học tập, công tác hay đã nghỉ hưu, đều làm tốt “vai” của mình, sống có trách nhiệm với gia đình, yêu thương, quý trọng người thân, cùng nhau gìn giữ, truyền dạy giá trị truyền thống gia đình tiếp nối qua mỗi thế hệ.
Những buổi sinh hoạt chung của gia đình ông Sự luôn đầm ấm, rộn ràng tiếng nói cười, làm lan toả những giá trị quý giá của mô hình gia đình truyền thống Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Gia đình ông có 22 năm đạt danh hiệu Gia đình văn hóa là một những gia đình văn hoá tiêu biểu.
Trải qua nhiều thế hệ, các gia đình đã hình thành và phát triển những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác gia đình trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Hằng năm các sở, ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh đều tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền lồng ghép trong các hội thảo, hội nghị tập huấn chuyên đề, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì trẻ em.
Các chính sách cho người lao động, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em; chăm sóc, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao kiến thức, chuyên môn, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trẻ em được các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có nhiều phong trào được triển khai, nhiều mô hình hay được thực hiện, góp phần tích cực vào việc giáo dục đời sống gia đình.
Năm 2023, toàn tỉnh có 340.000 gia đình văn hoá, chiếm 95% tổng số gia đình trên địa bàn. Mỗi gia đình văn hoá, dù là mô hình gia đình truyền thống, gia đình hiện đại đều nói không với bạo lực gia đình. Các thành viên gia đình có kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử; có trách nhiệm với cộng đồng, cùng nhau thực hiện tốt nếp sống văn minh... Đây cũng là thành công lớn của phong trào xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh.
Trong mọi giai đoạn phát triển của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, gia đình văn hoá chính là hạt nhân, nòng cốt để xây dựng nên những khu dân cư văn hoá. Điều này lý giải ở Quảng Ninh, số lượng gia đình văn hoá tăng cao, đồng nghĩa với việc các khu dân cư văn hoá ngày càng hình thành và phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
“Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”. Xây dựng gia đình hạnh phúc là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Qua đó đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các gia đình quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Việt Hoa
- Tập huấn công tác quản lý nhà nước về văn hóa và gia đình năm 2024
- Vun đắp giá trị văn hóa gia đình
- Lời chúc ý nghĩa cho Ngày Gia đình Việt Nam 28/6
- Gala gặp mặt gia đình cán bộ đoàn, thợ mỏ trẻ tiêu biểu năm 2024
- Ngày Gia đình Việt Nam 2024: Lan tỏa yêu thương và trách nhiệm
- Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc
Liên kết website
Ý kiến ()