Lạm dụng thuốc ngủ gây lệ thuộc, phải tăng liều cho những lần sau, dẫn đến giảm tỉnh táo, mất ngủ nặng, thậm chí gây lú lẫn, giảm trí nhớ…
Từ đợt cao điểm Covid-19 đến nay, anh Lê Văn Hoàng (43 tuổi, quận Bình Tân, TP HCM) nghỉ việc ở nhà và bị chứng mất ngủ ngày càng trầm trọng. Để cải thiện, anh tự mua thuốc an thần uống. Duy trì uống 5-6 tháng liền, anh phát hiện mỗi tối muốn ngủ được anh phải dùng thuốc. Anh ăn ít hơn, người mệt mỏi, giảm tập trung và khả năng phán đoán.
Bác sĩ Hoàng Châu Bảo Đính - Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, nhiều người đến bệnh viện khám mất ngủ chia sẻ sau khi dùng thuốc ngủ, thuốc an thần một thời gian dài thì cảm thấy cơ thể uể oải, thiếu sức sống, khó kiểm soát cảm xúc, hành vi. Có người gặp vấn đề về sức khỏe, suy nhược tinh thần lẫn thể chất.
Bác sĩ Bảo Đính chia sẻ thêm, việclạm dụng thuốcan thần có thể bị lệ thuộc thuốc. Hậu quả là người bệnh phải dùng liều cao hơn mới có thể ngủ được hàng đêm. Các loại thuốc an thần có tác dụng ức chế thần kinh trung ương gây ra tác dụng phụ như buồn ngủ vào ban ngày, giảm tỉnh táo, khó tập trung, giảm khả năng phán đoán và phối hợp động tác, cản trở các kỹ năng vận động. Nhiều người tự dùng thuốc ngủ còn gặp phải tác dụng phụ như suy giảm trí nhớ, gây nhầm lẫn với những triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ.
"Lạm dụng thuốcan thần có thể khiến nguy cơ tai biến mạch máu não tăng cao so với người không lệ thuộc thuốc. Tỷ lệ tử vong ở người nhồi máu cơ tim dùng thuốc an thần trước đó cũng cao hơn người không hoặc ít khi dùng thuốc ngủ", bác sĩ Đính nói.
Theo bác sĩ Đính, mỗi nhóm thuốc an thần có cơ chế tác dụng riêng, do vậy tác dụng phụ thường biểu hiện rất đa dạng. Chẳng hạn các thuốc dẫn xuất Benzodiazepin có thể gây lú lẫn, giảm trí nhớ, nhìn mờ, ảo giác, tăng động, hạ huyết áp, táo bón. Các thuốc chống trầm cảm, kháng histamin H1 có khả năng gây khô miệng, bí tiểu, hạ huyết áp thế đứng, ảnh hưởng đến nhịp tim. Khi tự ý ngưng thuốc đột ngột có thể dẫn đến hội chứng cai thuốc với các biểu hiện lo lắng,mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, run cơ, thậm chí là biến dạng tri giác, ảo tưởng, co giật, rối loạn hành vi.
Mỗi bệnh nhân mất ngủ có nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị khác nhau. Việc sử dụng loại thuốc nào, thời gian dùng thuốc bao lâu, cách giảm dần liều thuốc để hồi phục triệu chứng mà không gây mất ngủ trở lại... cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng giúp phục hồi hoạt động não bộ, đồng thời cân bằng các yếu tố sinh lý, miễn dịch và chuyển hóa trong cơ thể.Mất ngủnếu không được cải thiện sớm và triệt để dẫn đến mất ngủ kéo dài. Mất ngủ mạn tính làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đột quỵ, thoái hóa thần kinh, tim mạch, ung thư, béo phì, suy giảm chức năng sinh lý, rối loạn tâm lý, cảm xúc...
Để cải thiện tình trạng này, trước tiên, bạn thử áp dụng các phương pháp không dùng thuốc như vệ sinh giấc ngủ, thiền yoga, ấn huyệt, ngâm chân nước ấm, tắm nước nóng và nước lạnh, massage. Bạn có thể ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng cho trí não như kali, canxi, serotonin, tryptophan, vitamin B6. Các dưỡng chất này có trong chuối, sữa, cá, yến mạch, hạt sen, đậu xanh, các loại trái cây.
Người khó ngủ, mất ngủ không nên cố chịu đựng hoặc chủ quan mà cần đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân. Theo bác sĩ Bảo Đính, điều trị bệnh mất ngủ quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân để can thiệp tận gốc, chứ không phải điều trị triệu chứng. Mất ngủ chỉ là một biểu hiện của một vấn đề sức khỏe tiềm tàng. Do đó, người bệnh nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn và có phương pháp điều trị.
Ý kiến ()