Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:30 (GMT +7)
Tự hào truyền thống vẻ vang
Chủ nhật, 11/07/2021 | 06:26:32 [GMT +7] A A
Cách đây 71 năm, ngày 15 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập lực lượng thanh niên xung phong tập trung dài ngày phục vụ cho chiến dịch Biên giới Thu đông 1950. Sự kiện này là khởi đầu cho sự ra đời của một lực lượng thanh niên xung kích gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Ngày 28/3/1951, khi đến thăm và nói chuyện với một phân đội thanh niên xung phong ở bản Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng lực lượng thanh niên xung phong 4 câu thơ bất hủ: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên". Lời dạy của Bác đã đi vào ca khúc, đến nay đã và đang là kim chỉ nam về chí hướng cho thanh niên.
Trong lịch sử từ khi ra đời, lực lượng thanh niên xung phong đã phục vụ chiến đấu từ kháng chiến chống Pháp đến chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc nhưng thường chúng ta hình dung đầu tiên là những năm tháng kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, là những cung đường lửa đạn, rền tiếng bom thù, là những hy sinh mất mát. Trường Sơn chính là nơi để thử thách ý chí sắt đá giữa một bên là những thanh niên xung phong giàu nhiệt huyết yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chỉ với vai trần, chân đất với một bên là kẻ thù với những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ. Đâu đó đến hôm nay, những hy sinh gian khổ của lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong trên dãy Trường Sơn vẫn còn được các nhân chứng nhắc đến, rồi qua các thước phim tư liệu, những tác phẩm văn học, truyện, ký… là những trận sốt rét rừng, thiếu thốn đủ thứ, những mưa bom bão đạn, “mưa” chất độc màu da cam chút xuống. Nhưng họ - những thanh niên xung phong đã vượt qua tất cả gian khổ, hy sinh vì Miền Nam ruột thịt, vì tiền tuyến.
Ước tính, đã có khoảng 10.000 thanh niên xung phong đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hàng chục ngàn người khi trở về bị thương tật, di chứng chất độc da cam. Nhưng cũng từ trong lửa đạn đã xuất hiện những tấm gương hy sinh quả cảm, tô thắm nên truyền thống yêu nước của lực lượng thanh niên xung phong.
Tiêu biểu như sự hy sinh của 13 thanh niên xung phong ở Truông Bồn (Nghệ An), 10 cô gái hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), 8 thanh niên xung phong hy sinh ở hang Tám Cô đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình)… Tới nay, đã có 53 tập thể, trên 100 cá nhân thanh niên xung phong được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng lao động. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những địa điểm các thanh niên xung phong hy sinh kể trên đã và đang là những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ và là nơi đất nước tôn vinh những hy sinh to lớn của các anh, các chị cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
71 năm qua, trong thời chiến cũng như thời bình, thanh niên xung phong gắn bó máu thịt với cách mạng, chiến đấu và lao động trên nhiều mặt trận, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ghi nhận những hy sinh, đóng góp của lực lượng thanh niên xung phong với đất nước, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, hỗ trợ đối với thanh niên xung phong.
Ngày 30/1/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2011/NĐ-CP về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong. Gần nhất, ngày 9/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2021/NĐ-CP về Chính sách với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện. Rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể và nhân dân đã quan tâm, ủng hộ kinh phí, chia sẻ khó khăn với những cựu thanh niên xung phong, nhất là những trường hợp bị thương, tàn tật, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Tiếp nối truyền thống, rất nhiều cựu thanh niên xung phong đã nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên, phát triển kinh tế, làm giàu và chia sẻ khó khăn với đồng đội. Họ tự hào bởi mình là thanh niên xung phong.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()