Tất cả chuyên mục

Lúc đặt bút viết bài thơ ca ngợi sự hy sinh của 5 cô gái Vùng mỏ gửi đăng Báo Nhân Dân, nhà thơ Huy Cận chắc hẳn không nghĩ rằng nó sẽ là một "bản báo cáo" đặc biệt. Từ "bản báo cáo" bằng thơ này, Bác Hồ đã gửi huy hiệu của mình tặng cho gia đình các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ khu mỏ thân yêu.
![]() |
Một đoạn trong bài thơ “Năm người con gái anh hùng Cẩm Phả” của nhà thơ Huy Cận. |
Tháng 8/1958, nhà thơ Huy Cận lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Văn hóa dẫn đầu đoàn văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế tại Vùng mỏ. Riêng đoàn nhà văn lại tiếp tục chia làm 3 nhóm đi xuống các mỏ. Nhóm của nhà thơ Huy Cận thực tế ở mỏ Đèo Nai. Tại đây, ông đã nghe kể chuyện về 5 cô gái Vùng mỏ hy sinh dưới Vũng Đục. Ông đã xúc động làm bài thơ “Năm người con gái anh hùng Cẩm Phả” để ca ngợi sự hy sinh của những chiến sĩ cách mạng.
Ngay sau nhan đề bài thơ, nhà thơ Huy Cận đã viết lời đề dẫn kể về sự việc này: “Chị Tý, chị Ly, chị Bích, chị Mão, chị Xuyến - năm chị công nhân mỏ Cẩm Phả hoạt động bí mật trong 2 năm 1947-1948 và hy sinh năm 1948. Sau khi tra tấn các chị hết sức dã man, bọn địch đã trói mỗi chị trong một cái bao tải, chở các chị ra Vũng Đục, ngoài khơi Cẩm Phả và dìm sống các chị xuống biển”. Bài thơ có 15 khổ, mỗi khổ 4 câu, 7 chữ, dáng dấp một trường ca mang tính sử thi kể về cuộc đời các liệt sĩ với sự tôn vinh. Sau khi đăng báo Nhân Dân, nhà thơ Huy Cận tuyển chọn bài thơ này để in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng” xuất bản năm 1958.
![]() |
Di ảnh 4 trong số các nữ liệt sĩ hy sinh ở Vũng Đục. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh |
Sau này, trong cuốn “Hồi ký song đôi”, nhà thơ Huy Cận cũng đã kể lại việc này: “Sau mấy tháng đi lao động ở Vùng mỏ về, tôi có được gặp Bác Hồ trong một cuộc Bác gặp chung nhiều văn nghệ sĩ khác đi thực tế các nơi về… Đến lúc bài thơ của tôi nhan đề là “Năm người con gái anh hùng Cẩm Phả” đăng lên báo Nhân Dân, được Bác xem, thì Bác gởi ngay 5 huy hiệu của Bác về cho Uỷ ban thị xã Cẩm Phả để tặng 5 gia đình có 5 người con gái hy sinh oanh liệt tại mỏ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.
Để có căn cứ gửi huy hiệu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu ngành Than sưu tầm, xác minh và báo cáo sự việc trên. Người ký vào báo cáo này là ông Nguyễn Văn Hoa, thay mặt Ban Thường vụ Công đoàn mỏ Cẩm Phả. Bản gốc của tài liệu này được ông Đoàn Đạt (hội viên Hội VHNT Quảng Ninh, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) lưu giữ và trao lại cho Ban Quản lý đền Vũng Đục. Được biết, trước kia ông Đoàn Đạt công tác tại Công đoàn mỏ Cẩm Phả.
Thực ra, sau khi xác minh, hồ sơ mà Ban Thường vụ Công đoàn mỏ Cẩm Phả báo cáo lên có 8 nữ liệt sĩ chứ không dừng lại ở con số 5 như trong bài thơ của nhà thơ Huy Cận. Báo cáo đề cập đến sự việc hy sinh của 8 chiến sĩ cộng sản tại Vũng Đục và phần thứ hai là sơ yếu lý lịch của mỗi người. Phần bên trên của công văn có ghi tiêu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; bên góc trái ghi “Liên hiệp Công đoàn khu Hồng Quảng, Công đoàn mỏ Cẩm Phả; số: 12-BC/CĐ ngày 28-5-1959”. Hiện trang đầu tiên của tài liệu này đã rất mờ, khó đọc. Tất cả 8 liệt sĩ đã được xác định rõ danh tính là: Nguyễn Thị Tý, Phạm Thị Tỵ, Đoàn Thị Mão, Nguyễn Thị Bích, Trần Thị Thu, Phạm Thị Ngọ, Phạm Thị Xuyến, Trần Thị Nga.
Một trang trong báo cáo gửi Bác Hồ của Công đoàn mỏ Cẩm Phả. |
Ông Hoàng Bách, tức Phạm Khắc Hựu, hiện ở phường Cẩm Bình (TP Cẩm Phả), nguyên Chủ tịch UBND TX Cẩm Phả, chia sẻ: “Các đồng chí ấy đã hoạt động mưu trí, dũng cảm và anh dũng hy sinh. Tôi không thể nào quên được sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Thị Tý và các đồng đội của chị năm đó...".
Huỳnh Đăng[links()]
Ý kiến ()