Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:21 (GMT +7)
Từ nông trường xưa tới một Bình Khê trù phú
Chủ nhật, 17/12/2023 | 10:05:58 [GMT +7] A A
Bình Khê từ lâu được biết đến như một vùng đất điển hình cho mô hình thị trấn nông trường thập niên 60 thế kỷ XX. Từ nền tảng này đã sản sinh ra một Bình Khê trù phú, một vùng đất người dân làm giàu từ nông nghiệp hôm nay.
Nông trường Bình Khê được thành lập từ thập niên 60 của thế kỷ XX, vốn tách ra từ một phần của nông trường lớn trên đất Hải Dương. Sau khi chia tách tỉnh Hải Dương cũ, một phần nông trường này thuộc về TX Đông Triều, nằm trên đất Bình Khê, được gọi là Nông trường quốc doanh Đông Triều.
Để hiểu rõ câu chuyện này, ngược dòng lịch sử, sau năm 1954, bên cạnh việc phân chia lại ruộng đất cho nông dân ly tán do tác động chiến tranh, Chính phủ tổ chức hệ thống các nông trường để khai thác các vùng đất hoang vừa thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, vừa luyện quân cho miền Nam. Lực lượng tổ chức nông trường gồm nhiều thành phần dân cư, trong đó có một số lượng lớn quân nhân tạm thời chưa giải ngũ được điều động làm công tác kinh tế. Vào thập niên 60, số lượng nông trường tăng nhanh.
Nông trường Bình Khê xưa trải dài trên một diện tích chừng 1.300ha, trực thuộc quản lý của Bộ Nông trường (sau là Bộ NN&PTNT) rồi Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam. Nông trường khai phá, giữ đất đồng thời sản xuất, tập kết cán bộ, trong đó tập trung nhiều cán bộ miền Nam, có tri thức, chuyên môn tốt.
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ của nông trường là gìn giữ, chăm, trồng các giống quý, nông đặc sản, trong đó có cây con nổi bật như: Bò, cừu, lợn Móng Cái cùng cây vải thiều, mận tam hoa... Nông trường trải dài, có 5 đội chính ở các xã An Sinh và Tràng Lương, trung tâm là ở xã Bình Khê nay với các đội sản xuất chính là Triều Hải, Triều Bình...
Theo nhiều lão thành ở Bình Khê, nguyên là cán bộ nông trường, thì xưa nông trường gồm đầy đủ cơ sở hạ tầng như mô hình thị trấn nông trường xưa, gồm: Nhà trẻ, trạm xá, nghĩa trang, trạm điện riêng...
Là điển hình của nền kinh tế kế hoạch, thời chống Mỹ, nông trường Bình Khê nổi tiếng là trọng điểm sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng, đặc biệt "tiếp sức” chiến trường miền Nam. Ngoài ra, "đặc sản" nơi đây là những trang trại lợn lớn, bảo tồn giống lợn Móng Cái, được Bộ Nông trường giao nhiệm vụ.
Từ đây, giống lợn này tỏa đi khắp các vùng, miền lai với giống lợn địa phương cho sản lượng thịt lớn, đảm bảo thực phẩm. Xuất phát từ Hải Dương, Nông trường cũng từng là quê hương thứ 2 của giống vải thiều Thanh Hà nổi tiếng, được trồng và mở rộng diện tích ở không chỉ Bình Khê, huyện Đông Triều xưa mà cả các khu vực lân cận.
Vì thế xưa mới có câu chuyện, lợn giống, thịt lợn và lương thực thực phẩm ở đây được tiếp viện cho miền Nam và khắp các tỉnh, thành. Ở chiều ngược lại, cám Hương Canh (Vĩnh Phúc) và các loại thực phẩm chăn nuôi lại được chuyển trở lại Nông trường theo mô hình kinh tế kế hoạch của Nhà nước.
Thời kỳ cao điểm, nơi đây có hơn 1.000 con lợn giống Móng Cái thuần chủng, là địa chỉ đứng đầu ngành chăn nuôi, nông nghiệp và được Chính phủ trao Huân chương đơn vị Anh hùng Lao động năm 1978. Về sau, Nông trường dần được cổ phần hóa và chuyển quyền quản lý cho Tập đoàn Geleximco.
Cũng theo các nguyên lãnh đạo Nông trường Bình Khê kể thì trong giai đoạn chiến tranh, đặc sản lợn Móng Cái thuần chủng còn được bí mật đưa giống về các vùng khác và cả Nông trường Đông Á (TP Hồ Chí Minh) để bảo tồn giống, bởi lo sợ chiến tranh, bom đạn mà triệt tiêu hết giống quý.
Có lẽ là "cái nôi" của nhiều giống cây, con quý mà về sau, khi những khu dân cư mọc lên vốn là tiền thân của xã Bình Khê về sau, được thừa hưởng và có nền tảng phát triển nông nghiệp mạnh mẽ. Có thời kỳ, Bình Khê từng được coi là khu vực trồng vải đặc sản rộng, ngon ở đất Đông Triều. "Phát huy thế mạnh, kinh nghiệm xưa, bao thế hệ người dân Bình Khê đã làm giàu trên mảnh đất quê hương, phát huy truyền thống xây dựng nên một Bình Khê trù phú hôm nay" - ông Nguyễn Ngọc Tiên, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ.
Ngày nay, Bình Khê đã trở thành vùng canh tác nông nghiệp trù phú, nhanh nhạy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp dịch vụ, tăng tỉ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tiếp tục tăng năng suất lao động, phát triển nông nghiệp sạch... Theo nhu cầu thị trường, các cây, con giống xưa đã dần nhường chỗ cho các loại cây, con giống mới, cách canh tác mới với hoa, cây cảnh và nhiều mô hình cây trồng giá trị cao, tiên phong như: Trang trại hoa lan trong nhà màng, trồng sâm...
Nhờ đó, từ nông trường xưa, nay Bình Khê đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, bứt phá về mọi mặt, thành một xã NTM kiểu mẫu. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 13,5%/năm. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã đạt khoảng 1.188 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,7%...
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()