Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 10:10 (GMT +7)
Từ thực hiện 3 chuyên đề về Yên Tử
Chủ nhật, 20/03/2022 | 14:09:27 [GMT +7] A A
Ngay từ đầu năm 2021, Quảng Ninh đã phê duyệt 3 chuyên đề KHCN cấp tỉnh nghiên cứu về các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ thống di tích kiến trúc cảnh quan và các đặc điểm, giá trị địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học của Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử tại Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Sản phẩm của nghiên cứu này hướng tới nhiều mục tiêu, trước mắt là để xây dựng hồ sơ di sản thế giới Yên Tử.
3 đề tài khoa học này được giao cho 3 cơ quan nghiên cứu của trung ương chủ trì thực hiện, bắt đầu triển khai từ tháng 4, tháng 5/2021 và kéo dài trong 2 năm, cho đến nay đã có những kết quả tích cực.
Chuyên đề Nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử của Yên Tử do Hội khảo cổ học Việt Nam thực hiện. Theo đó, tính đến tháng 1 năm nay, các nhà khoa học đã thu thập, tổng hợp tài liệu hiện có về lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và dấu tích khảo cổ học về di tích và di vật của 56/60 di tích tại 4 khu di tích (KDT) thuộc quần thể di sản Yên Tử. Đã hoàn thành 2 báo cáo tổng hợp đánh giá tổng quan về hệ thống tư liệu tại KDT Tây Yên Tử (Bắc Giang) và KDT Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Hải Dương).
Các nhà khoa học cũng đã điều tra đợt 1 tại cả 4 KDT, qua đó nghiên cứu đánh giá hiện trạng các di tích, đồng thời phát hiện thêm được nhiều di tích mới làm tăng giá trị của tổng thể di tích. Đặc biệt, tại KDT Yên Tử qua nghiên cứu và đánh giá lại giá trị của 8 di tích đã xác định rõ được tính chất của di tích từ khu vực chùa Vân Tiêu đến đỉnh chùa Đồng với đặc trưng về tính nguyên sơ và nét tự nhiên chủ yếu thuộc về di tích đạo giáo thần tiên từ thế kỷ 1-2 cách đây 2.000 năm.
Từ thế kỷ XIII, khu vực này được lồng ghép thêm các giá trị của Phật giáo Trúc Lâm và huyền tích hóa di tích tự nhiên ở đỉnh chùa Đồng thể hiện hình tượng Phật hoàng Trúc Lâm hóa Phật. Đây là những điều từ trước đến nay chưa có tài liệu nào nói đến.
Qua việc khai quật, thăm dò bổ sung tư liệu, các nhà khoa học đã phát hiện được nền móng kiến trúc thời Trần tại di tích Trại Cấp (Đông Triều) và Đám Trì (Bắc Giang). Tại chùa Thanh Mai 2 (Hải Dương) phát hiện nền móng các di tích kiến trúc của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau, niên đại có thể kéo dài từ thời Trần (thế kỷ XIV), thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX). Đào thám sát chùa Huyền Thiên (Hải Dương) đã xác định được các di tích và di vật thời Trần với 2 cấp nền, rộng khoảng 1ha và dấu tích chùa thế kỷ XVII-XVIII.
Thời gian qua, các nhà khoa học cũng đã thu thập được về cơ bản các nguồn tài liệu phục vụ cho các nghiên cứu bổ sung về lịch sử, Phật giáo và giá trị văn hóa phi vật thể tại 4 KDT. Qua đó, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã thực hiện ký hợp đồng viết 22 chuyên đề nghiên cứu văn hóa phi vật thể Yên Tử với các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành theo từng lĩnh vực chuyên ngành.
Chuyên đề Nghiên cứu hệ thống di tích kiến trúc cảnh quan trong quần thể di sản Yên Tử, do Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH,TT&DL) thực hiện. Cho đến nay, đơn vị đã cơ bản hoàn thành các báo cáo về 4 nội dung.
Theo đó đã phân loại, hệ thống hóa, đánh giá về giá trị, đánh giá tình trạng bảo tồn, về thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị, đánh giá các nguy cơ tác động tới các di tích kiến trúc trong quá trình khai thác, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, đơn vị đã có báo cáo định hướng chiến lược tổng thể, tầm nhìn trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích kiến trúc trong quần thể di sản.
Chuyên đề Nghiên cứu đặc điểm, giá trị địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học Yên Tử, do Trung tâm Karst và Di sản Địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) thực hiện. Cho đến nay, đơn vị đã hoàn thành các báo cáo nhằm xác định, đánh giá đặc điểm, giá trị nổi bật về địa chất - địa mạo tại Yên Tử. Hoàn thành việc thu thập, tổng hợp tài liệu hiện có về đặc điểm và giá trị đa dạng sinh học nơi đây. Qua đó xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học của quần thể di sản bằng các loại bản đồ, bản vẽ, sơ đồ...
Sản phẩm của các chuyên đề kể trên có nhiều ý nghĩa, ban đầu là phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ di sản thế giới Yên Tử. Về lâu dài, đây là cơ sở để nghiên cứu đối với nhiều lĩnh vực cũng như đóng góp hữu ích trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chương trình phát triển của tỉnh gắn với quần thể di sản có nhiều giá trị quý giá này.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()