Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 05:42 (GMT +7)
Từ trò chơi bán hàng
Thứ 7, 13/10/2012 | 05:08:39 [GMT +7] A A
Trẻ con chơi trò chơi bán hàng, lấy đồ chơi làm hàng, xé giấy làm tiền, mua mua, bán bán thật xôm trò. Thấy thế, có người cho rằng, không nên cho trẻ sớm tiếp xúc với “hàng hoá”, “tiền nong”, như thế là không tốt.
Khi nghe kể lại chuyện trên, một doanh nhân cho rằng, tinh thần vượt nghèo, làm giàu sẽ được hình thành từ những trò chơi như thế đấy. Chúng ta cần giáo dục tinh thần doanh nhân, trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh thì phải có định hướng trở thành doanh nhân.
Thực tế hiện nay, trong các bài học lịch sử trong nhà trường, chúng ta chú trọng về lịch sử chống giặc ngoại xâm, với những chiến công, với những vị vua, vị tướng tài ba, mà còn “nhẹ” về lịch sử dựng nước, nhất là lịch sử phát triển kinh tế với những doanh nhân, những “ông vua” “vị chúa” của ngành này, nghề kia...
Có thầy giáo cho rằng, nếu ở Quảng Ninh, khi hỏi học sinh THPT về nhà thơ Xuân Diệu thì ai cũng biết, nhưng không hẳn ai cũng biết đến doanh nhân Bạch Thái Bưởi, người được tôn xưng là “ông vua hàng hải”, “chúa sông Bắc Kỳ”, chủ mỏ than ở Vàng Danh thời kỳ Pháp thuộc, một doanh nhân có lòng tự tôn dân tộc rất cao.
Chúng ta đều biết, ngày 13-10-1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời được hơn một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi giới công thương Việt Nam. Trong thư này, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh vai trò to lớn của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công-Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Từ năm 2004, ngày 13-10 đã được lấy là Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, vì thế, một trong nhiệm vụ quan trọng của chính quyền là phải “tận tâm giúp” (chữ của Hồ Chủ tịch trong bức thư nói trên) giới doanh nhân sản xuất, kinh doanh. “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.
Tinh thần xây dựng đất nước thịnh vượng của chúng ta phải được chung đúc, quật khởi như tinh thần chống giặc ngoại xâm với những chiến công vang dội. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải kết tinh được tinh thần tự tôn dân tộc, phấn đấu vì sự thịnh vượng của đất nước.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()