Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:09 (GMT +7)
Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên để ra trường là có việc làm
Thứ 2, 13/09/2021 | 14:38:08 [GMT +7] A A
Thực tế chứng minh, trường nào làm tốt công tác hướng nghiệp, tỷ lệ học sinh, sinh viên học nghề ra trường có việc làm cao. Tuy nhiên, công tác này đang được nghề nghiệp triển khai ở các mức độ khác nhau, mang tính tự phát.
Ứng dụng công nghệ phân tích xu hướng ngành nghề
Hiện cả nước có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và công tác tuyển sinh của các trường năm nay dự báo gặp nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học GDNN chưa cao, không đạt được mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị và Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ (mục tiêu là 30% học sinh tốt nghiệp). Một trong những nguyên nhân việc phân luồng còn thấp do thông tin dự báo cung cầu về thị trường lao động còn nhiều bất cập, việc tổ chức tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế. Công tác hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN chưa được triển khai đồng bộ...
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Trong thời gian qua, phân tích từ số lao động đến tìm việc tại sàn giao dịch việc làm của Hà Nội cho thấy tỷ lệ thành công kết nối việc làm khoảng 30%. Trong đó, phần tư vấn việc làm rất quan trọng bởi giữa trình độ và kỹ năng làm việc, vị trí việc làm là cả một khoảng cách. Do đó với từng vị trí việc làm mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển, đơn vị có những tư vấn cụ thể. Bên cạnh đó, trung tâm tư vấn cách làm CV (sơ yếu lý lịch) và năng lực bản thân để sao cho đạt hiệu quả đúng với nghề đang tìm kiếm.
Ông Trần Bá Uẩn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên cho biết, thời gian qua, nhà trường cũng đã thực hiện công tác hướng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp, đã có sự liên kết với doanh nghiệp trong định hướng đào tạo nghề, tuy nhiên hoạt động mới mang tính tự phát, chưa có sự chuẩn chỉnh về nội dung.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, thực tiễn đã chứng minh những nơi làm công tác tư vấn hướng nghiệp thì giảm tỷ lệ thất nghiệp khi ra trường. Do đó, các trường cũng cần thiết tổ chức các cuộc thi tìm hiểu thế giới nghề nghiệp, tư vấn nhóm cho học sinh ra quyết định nghề nghiệp...
Nhận thức được vấn đề này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về công tác tư vấn hướng nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên GDNN và được xây dựng dựa trên tình hình thực tế. Theo bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên (Tổng cục GDNN), việc lấy ý kiến xây dựng Thông tư để việc tư vấn, hướng nghiệp trong cơ sở GDNN thành “hạng mục” bắt buộc phải triển khai, liên kết với doanh nghiệp để học sinh, sinh viên được tư vấn, nắm bắt thông tin kịp thời để giảm tỷ lệ thất nghiệp khi ra trường. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định về công tác tư vấn hướng nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết.
Theo đó, việc xây dựng thông tư trên nhằm cung cấp thông tin về các ngành, nghề, việc làm và cơ sở GDNN nhằm giúp người học tự nhận thức về khả năng, sở thích và nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân, có kiến thức, hiểu biết về thế giới nghề nghiệp để lựa chọn, ngành nghề học phù hợp. Đồng thời, cung cấp một số kỹ năng thiết yếu để hình thành thái độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; thông tin các doanh nghiệp đang sử dụng lao động đối với các ngành, nghề người học đang theo học.
Đáng chú ý, trong dự thảo Thông tư yêu cầu các trường chuyển đổi số trong công tác hướng nghiệp. Trong đó, có nội dung ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để tổng hợp, phân tích các thông tin, xu hướng ngành, nghề trong tương lai để hỗ trợ việc hướng nghiệp, lựa chọn ngành nghề...; đồng thời, quy định về công tác tư vấn việc làm, về công tác hỗ trợ khởi nghiệp.
Gắn đào tạo với thị trường lao động
Ông Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2 (TP Hồ Chí Minh), đánh giá dự thảo Thông tư quy định về công tác tư vấn hướng nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp nếu được ban hành sẽ tạo đột phá trong công tác đào tạo GDNN.
Điều này thúc đẩy phát triển cơ sở GDNN trong thời gian tới theo đúng nhiệm vụ là nâng cao chất lượng đào tạo và giúp cho học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo, chọn được nghề phù hợp với năng lực bản thân. Gắn đào tạo nghề với thị trường lao động.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Hưng cho rằng cần làm rõ hướng nghiệp trong dạy nghề khác với hướng nghiệp phổ thông, cũng như hướng nghiệp trước, trong và sau đào tạo. Làm sao để được nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trường trung học phổ thông chọn học nghề ở trường cao đẳng, trung cấp của hệ thống GDNN và có việc làm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga, Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), cho rằng: Quá trình tiếp xúc với người học mới thấy họ cần thông tin về thị trường lao động, xu hướng nghề nghiệp, việc làm trong tương lai, yêu cầu trình độ với một số công việc, yêu cầu kỹ năng với một số ngành nghề đặc thù. Bên cạnh đó, các trường cũng cần cung cấp cho học sinh bối cảnh chung về tiền lương của công việc đó, tránh sự thất vọng ngoài mong đợi cho người học.
"Nhiều nước trên thế giới họ đang triển khai cung cấp video mô tả ngành nghề thông qua Youtube, từ đó người học có thể hình dung nghề làm việc của họ diễn ra trong môi trường nào. Do đó, vai trò của Tổng cục GDNN rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin ban đầu về thị trường việc làm", bà Nga chia sẻ.
Từ góc độ thực tế kết nối việc làm, ông Vũ Quang Thành cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin tư vấn, hướng nghiệp rất tốt. Tuy nhiên để làm được điều này phải có nguồn dữ liệu để biết rõ nguồn cung (từ cơ sở đào tạo) và từ nguồn cầu (doanh nghiệp). Thực tế dữ liệu này tại Việt Nam còn phân tán. Nếu các trường nghề và Tổng cục có nguồn dữ liệu này sẽ rất hữu ích để ứng dụng công nghệ để phân tích, dự báo qua đó tư vấn, định hướng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, trên thực tế nhiều trường đã và đang triển khai công tác hướng nghiệp, tìm việc làm và tư vấn khởi nghiệp ở các mức độ khác nhau. Thực tế chứng minh, trường nào làm tốt công tác hướng nghiệp, học sinh, sinh viên ra trường có việc làm với tỷ lệ cao.
Tổng cục sẽ tiếp tiếp thu ý kiến đóng góp của các trường để có tính khả thi trên thực tế, sau đó Tổng cục sẽ trình Bộ Lao động Thươngbinh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về công tác tư vấn hướng nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên GDNN để làm căn cứ pháp lý để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai công việc tư vấn, hướng nghiệp thực hiện thống nhất trong thời gian tới.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()