Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:43 (GMT +7)
Từ việc đặt tên cầu, bàn về địa danh ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 12/12/2021 | 16:41:45 [GMT +7] A A
Thời gian qua, TP Hạ Long đã lấy ý kiến nhân dân trong việc đặt tên cho cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3. Quảng Yên đã khánh thành thêm một cây cầu bắc qua sông Chanh và tạm gọi là cầu Sông Chanh 2. Việc đặt tên công trình kiến trúc mới đang đặt ra sự quan tâm của những người nghiên cứu văn hóa và nhân dân.
Quảng Ninh là một tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều xã chuyển thành phường chưa kể các xã đã sống dọc quốc lộ, tỉnh lộ hình thành các thị tứ. Nhiều công trình kiến trúc, giao thông đã được xây dựng mới khang trang hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và mong mỏi của nhân dân. Tuy nhiên, tình hình đó đặt ra nhiều khó khăn trong việc lựa chọn đặt tên cho những công trình mới.
Việc đặt tên công trình nên chọn những từ, cụm từ (là chữ) không nên đặt tên theo những con số theo kiểu sông Chanh 1, 2, 3 hay Cửa Lục 1, 2, 3 dễ dẫn đến sự chồng chéo, cơ học, nghèo nàn về ngôn ngữ. Theo thống kê của ông Nguyễn Cảnh Loan, đồng tác giả công trình "Địa danh Quảng Ninh xưa và nay", trong kho tàng địa danh Quảng Ninh xưa nay có tới 76 đơn vị hành chính cấp xã đặt tên phố, tên thôn theo số từ 1 đến 18. Trong khi đó, từ thế kỷ thứ 15, người Việt đã đặt tên thôn, làng núi, sông, đồng, ruộng mang đậm mối quan hệ của thôn xóm. Những địa danh đó là sản phẩm văn hóa dân gian. Rất tiếc, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan từ 1988 đến nay các huyện, thị xã, thành phố đã xóa tên 602 thôn, bản, phố, khu dân cư cũ thay bằng số dẫn đến trùng lặp không đáng có.
Ông Nguyễn Cảnh Loan cho biết, đến nay toàn tỉnh có trên 100 địa danh chỉ tồn tại trên sách báo trong khi những địa danh mới lại mang tên con số thì trùng lặp quá nhiều. Đơn cử như trên sông Chanh có cây cầu Chanh khánh thành năm 2001, trên cao tốc Hạ Long – Hải Phòng cũng có 1 cây cầu đặt tên là sông Chanh. Mới đây nhất, cây cầu trên dự án Đường nối từ nút giao chợ Rộc đến nút giao Phong Hải được thông xe kỹ thuật tạm gọi là cầu Sông Chanh 2.
Từ quan điểm giữ lại những địa danh cổ, ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng Phòng VH-TT thị xã Quảng Yên đề xuất, không nên đặt tên theo kiểu đánh số cầu Sông Chanh 1, Sông Chanh 2, Sông Chanh 3, mà hãy lấy những tên cổ, tên gọi có tích, có nguồn mang ý nghĩa lịch sử như “Cầu Yên Hưng”, “Cầu Bến Ngự”; “Cầu Vân Cừ”, “Cầu Quảng Yên”.
Nhà văn Dương Phượng Toại, Chi hội phó Chi hội Văn học, Hội VHNT Quảng Ninh, cũng tán đồng quan điểm này. Ông Toại nêu băn khoăn: Sao đặt tên địa danh cứ bị hội chứng số hóa, mất cả bản sắc dân tộc mà bấy lâu nay chúng ta cứ hô hào. Nên đặt tên cầu này là cầu Đò Lá theo tên gọi cánh đồng bát ngát. Trên dòng sông Chanh đến giờ này đã có 3 cây cầu. Cầu 1 trên thượng lưu là cầu Sông Chanh khánh thành năm 2001. Cầu 2 dưới hạ lưu là cầu Hà An đặt theo tên phường Hà An. Kể ra, cây cầu thứ 3 này vị trí nằm giữa 2 cây cầu kia bắc sang cánh đồng Đò Lá thì hay biết bao nhiêu.
Theo ông Nguyễn Cảnh Loan, việc sử dụng địa danh đã có từ xưa để đặt tên công trình vừa thể hiện tầm cao văn hóa của cơ quan hoạch định đơn vị ở địa phương vừa hợp lòng dân. Việc đặt tên phải xuất phát từ tâm tư, tình cảm của người dân sống trong vùng không nên máy móc rập khuôn gây khó dễ cho người dân. Đặt tên đường, tên phố là một khoa học trong công tác quản lý hành chính. Ngày 23/9/2012, UBND tỉnh có Quyết định số 330/QĐ - UBND ban hành quy chế tạm thời đặt tên đường, phố, công viên trong toàn tỉnh. Đó là căn cứ để các địa phương thực hiện.
Ông Nguyễn Cảnh Loan đề xuất, để tiếp tục thực hiện tốt quyết định của UBND tỉnh, chúng tôi đề nghị ngành văn hóa nên bổ sung ngân hàng tư liệu đã có, nhất là bổ sung thêm các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử được nhân dân yêu mến. Khi thực hiện đặt ở địa bàn nào nên lấy ý kiến dân cư tại chỗ đó, tránh tình trạng đặt tên phố nhưng nhân dân không đồng tình. Quá trình vận dụng nên quan tâm đến các địa danh cổ trên địa bàn.Theo chúng tôi, nên có biện pháp tôn vinh các xã, huyện đã tồn tại từ 200 năm trở lên, để khơi dậy lòng tự hào của nhân dân đang cư trú trên địa bàn.
Tán đồng quan điểm xây dựng ngân hàng địa danh ông Vũ Cẩm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đề xuất lấy tên của một số vị lão thành cách mạng tiền bối tiêu biểu từng gắn bó với Quảng Ninh đã hy sinh, đã mất để đặt tên đường cho TP Hạ Long hiện nay.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()